Tại sự kiện, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trao Quyết định số 343/QĐ-BNV ngày 27/4/2022 của Bộ Nội vụ phê duyệt thành lập Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam). Như vậy, hiệp hội trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Phát biểu sau khi ra mắt, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, đại hội nhiệm kỳ lần thứ nhất Hiệp hội được tổ chức vào ngày 16/5 và đã đề ra các nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là chuỗi chương trình hành động ứng dụng blockchain với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số, sớm đưa Việt Nam ngang tầm quốc tế về kinh tế số. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa và khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain ở Việt Nam; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng blockchain trên thế giới; thu hút đầu tư cho hoạt động của ngành Blockchain, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Với khả năng chia sẻ thông tin minh bạch, bền vững và bảo mật cao, Blockhchain đang là một trong những xu hướng công nghệ đột phát, được sự quan tâm của chính phủ nhiều quốc gia, của các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp. Trong số TOP 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 5 -7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain có vốn hoá trên 100 triệu USD. Những kỳ lân công nghệ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Blockchain toàn cầu.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn Hiệp hội Blockchain Việt Nam có phối hợp, hỗ trợ Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan khác trong xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Về phía Bộ KH&CN, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với Hiệp hội trong các hoạt động của Hiệp hội; Chúng tôi sẽ rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành KH&CN để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam; chúng tôi cũng sẽ xem xét, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain".
“Hiện Bộ KH&CN đang triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được Chương trình này ưu tiên”, ông Trần Văn Tùng cho biết.
Do đó, việc ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ là nơi quy tụ các thành viên, huy động nguồn lực, hợp tác hiệu quả với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam để cùng hình thành các dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực blockchain để cùng phát triển, làm chủ, tạo ra các sản phẩm công nghệ của Việt Nam tham gia được thị trường blockchain toàn cầu, cũng như phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực blockchain.
Hoàng Nhung