Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục. Thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020, tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Trong đó, Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung, vì đây tiếp tục là một trong hai thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 4,003 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020.
Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản gặp một số khó khăn, nút thắt.
Theo đó, các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp... để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và suy giảm.
Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn, do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn, ứ đọng hàng hóa.
Hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới cho đến thời điểm hiện tại vẫn diễn ra bình thường, trường hợp nếu dịch bệnh nguy cơ cao thì tốc độ thông quan sẽ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.
Thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển, một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.
Đáng chú ý, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản vẫn đang trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương là bài học kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương, nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đánh giá Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 là dịp để các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp họp bàn và triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt đối với nhóm các sản phẩm nông sản có tính thời vụ đang vào mùa thu hoạch như: vải, nhãn, thanh long, sầu riêng… Từ đó, kịp thời, tháo gỡ khó khăn trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu thị trường nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch COVID-19.
Vũ Nghi (t/h)