Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương

Thị trường trà sữa Việt Nam, với quy mô chi tiêu hàng năm lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ, không chỉ là một "mỏ vàng" cho các doanh nghiệp F&B mà còn là một "đại dương đỏ" đầy cạnh tranh.

Theo một nghiên cứu được Momentum Works và qlub công bố vào năm 2022, người Việt đã chi khoảng 362 triệu USD (tương đương 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm, trung bình mỗi ngày lên đến 23 tỷ đồng. Sức hấp dẫn của "đồ uống quốc dân" này còn được thể hiện qua sự gia tăng chóng mặt về số lượng cửa hàng, khi báo cáo của Nielsen cho thấy con số này đã tăng gấp đôi từ khoảng 5.000 cửa hàng năm 2017 lên khoảng 10.000 cửa hàng vào năm 2022.

Trong bối cảnh đó, trà sữa không chỉ đơn thuần là một thức uống giải khát mà đã trở thành một biểu tượng của phong cách sống trẻ trung, năng động, nơi khách hàng tìm kiếm cả hương vị độc đáo lẫn những trải nghiệm không gian và dịch vụ tinh tế.

Thị trường trà sữa Việt Nam: "Đại dương đỏ" và cuộc đua không ngừng nghỉ để chinh phục "thượng đế"

Sự bùng nổ của các thương hiệu trà sữa mới tại Việt Nam trong những năm gần đây đã khiến cuộc đua chinh phục trái tim khách hàng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Các thương hiệu không chỉ cạnh tranh gay gắt về chất lượng hương vị của từng ly trà, miếng bánh mà còn không ngừng đổi mới trong cung cách phục vụ, thiết kế không gian và các chiến lược tiếp thị độc đáo. Mỗi thương hiệu đều cố gắng tìm ra một con đường riêng để "chiều chuộng" và giữ chân khách hàng, từ việc tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tạo dựng những không gian cửa hàng độc đáo, đến việc triển khai các chiến lược cá nhân hóa trải nghiệm.

Bức tranh cạnh tranh đầy màu sắc của ngành trà sữa Việt Nam đang được định hình bởi những nỗ lực không ngừng này. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đó, những thương hiệu như Phê La, Katinat và tân binh Bông Biêng lại đang cho thấy những dấu ấn tiên phong, biết cách khai thác những ngách thị trường riêng để tạo sự khác biệt và nổi bật.

Katinat Saigon Kafe: Chiến lược "góc phố đẹp" và những ly đồ uống khẳng định phong cách sống

Katinat Saigon Kafe là một trong những thương hiệu trà sữa và cà phê nổi bật trong khoảng thời gian gần đây, nhanh chóng tạo được dấu ấn và chiếm lĩnh thị phần đáng kể tại hai thị trường lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thương hiệu này ghi điểm mạnh mẽ nhờ chiến lược lựa chọn mặt bằng thông minh, với các cửa hàng thường tọa lạc ở những vị trí đắc địa, góc phố đẹp, dễ dàng thu hút sự chú ý. Bên cạnh đó, Katinat đầu tư mạnh vào thiết kế không gian hiện đại, sang trọng, tạo ra một môi trường lý tưởng không chỉ để thưởng thức đồ uống mà còn là nơi làm việc, gặp gỡ bạn bè và "check-in" sống ảo.

Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương - Ảnh 1

Katinat đã rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu theo phong cách lifestyle, nơi mỗi ly đồ uống không chỉ để giải khát mà còn thể hiện cá tính và cái tôi của khách hàng. Thương hiệu này đã khéo léo cho ra mắt các sản phẩm "merchandise" mang dấu ấn riêng như những chiếc cốc cầu vồng đổi màu độc đáo hay ly cà phê sapphire màu hồng thời thượng, từ đó định vị hình ảnh Katinat trẻ trung, phóng khoáng, gắn liền với nhịp sống năng động của đô thị hiện đại như Thành phố Hồ Chí Minh. Thực đơn với hơn 40 loại đồ uống của Katinat cũng rất đa dạng, trong đó nổi bật với những sản phẩm sáng tạo như trà sữa chôm chôm, các dòng smoothie mát lạnh và nhiều loại cà phê kết hợp với topping độc đáo như trân châu phô mai dẻo. Điều này mang đến những trải nghiệm vị giác mới lạ, đáp ứng đúng nhu cầu luôn muốn "thử cái mới" của thế hệ Gen Z. Katinat từng tạo nên một cơn sốt thực sự với chiến dịch "ly cầu vồng" (sử dụng ly nhựa PP5 có khả năng đổi màu theo nhiệt độ), thu hút hàng trăm khách hàng sẵn sàng xếp hàng từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh để sở hữu, đồng thời tạo ra độ lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng TikTok.

Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương - Ảnh 2

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào thành công của Katinat là mức giá cạnh tranh, dao động từ 35.000 đến 70.000 đồng mỗi ly, giúp thương hiệu thu hút được một lượng lớn khách hàng thuộc phân khúc trung cấp, những người mong muốn trải nghiệm không gian quán cà phê "sang - xịn - mịn" mà không phải chi trả quá nhiều. Theo báo cáo của Vietdata, Katinat ghi nhận mức doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với gần 470 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với năm 2022. Tốc độ mở rộng thị trường của thương hiệu này cũng tương đối nhanh, đến năm 2025 đã có 93 cửa hàng, tăng 35% theo Báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại (Modern Trade) tại Việt Nam của Q&Me. Sự thành công của chiến dịch ly cầu vồng vào cuối năm 2022 từng góp phần đưa Katinat, khi đó vẫn còn là một "ngôi sao mới", lọt vào top 4 thương hiệu cà phê được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội. Thống kê của Younet Media cho thấy, vào thời điểm nửa đầu năm 2023, độ "hot" của Katinat thậm chí còn vượt mặt nhiều "gã khổng lồ" khác như Starbucks, Trung Nguyên Legend, hay Cộng Cà Phê, và tiếp tục là thương hiệu đồ uống được nhắc đến nhiều nhất mạng xã hội trong mùa Trung thu 2024.

Phê La: Dấu ấn trà đặc sản Đà Lạt và những trải nghiệm "chill" độc đáo giữa lòng phố thị

Trong khi đó, Phê La, một thương hiệu trà sữa nội địa khác nổi lên từ năm 2021, đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên thị trường với dòng sản phẩm chủ lực là trà đặc sản từ Đà Lạt. Theo ông Hoàng Tùng, Phê La là một trong những đơn vị đi đầu trong việc khai thác và nâng tầm giá trị của trà đặc sản Việt Nam, mang đến những ly trà có hương vị đậm đà, khác biệt. Thương hiệu này được coi là tiên phong trong việc xây dựng một hình ảnh sản phẩm gắn liền mật thiết với Đà Lạt, vùng đất của trà và không khí trong lành.

Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương - Ảnh 3

Phê La không chỉ tạo ra những quán cà phê đơn thuần để thưởng thức đồ uống mà còn kiến tạo nên những không gian để khách hàng có thể "chill", thư giãn và tận hưởng những khoảnh khắc yên bình ngay giữa lòng thành phố. Bên cạnh chất lượng đồ uống được đánh giá cao, điểm mạnh của Phê La còn nằm ở việc đầu tư vào thiết kế sản phẩm, tạo ra những trải nghiệm thị giác ấn tượng, đặc biệt thu hút đối tượng khách hàng Gen Z. Thương hiệu này có xu hướng liên tục đổi mới thiết kế ly đựng đồ uống để phù hợp với các chiến dịch quảng bá và các dòng sản phẩm mới. Với những hoa văn tinh tế, những chiếc ly độc đáo như ly nhung lụa là, hay ly tô bông sáng tạo đã nhanh chóng trở thành "trend", thu hút đông đảo khách hàng trẻ tuổi, kích thích họ sáng tạo nên những "phụ kiện" check-in lý tưởng trên mạng xã hội.

Phê La chính thức ra mắt thị trường với cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2021 và đã nhanh chóng mở rộng quy mô lên hơn 40 cửa hàng trên toàn quốc tính đến tháng 5 năm 2025. Sự phát triển này đã giúp Phê La lọt vào top 5 công ty dịch vụ ăn uống uy tín năm 2024 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, sánh vai cùng những "ông lớn" trong ngành chuỗi cà phê khác như Trung Nguyên Legend, Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks. Theo báo cáo của Vietdata, Phê La đạt gần 300 tỷ đồng doanh thu và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2023, một mức doanh thu cao hơn nhiều so với một số chuỗi trà sữa đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm như Dingtea, Gongcha, hay Bobapop.

Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương - Ảnh 4

Phê La cũng từng tạo ra một xu hướng độc đáo "đi cà phê từ 4h sáng" gây bão trên mạng xã hội, thu hút hơn 35.600 lượt thảo luận cho thương hiệu chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024. Younet Media nhận định rằng Phê La đã "tạo ra một phương cách thưởng thức cà phê 'cũ mà không chán' cực kỳ thú vị, vừa tạo được sức nóng truyền thông trên mạng xã hội, vừa thu hút được lượng đơn hàng thực tế lớn tại các điểm bán". Hàng loạt các hoạt động truyền thông nổi bật, luôn hướng đến việc tăng cường chất lượng trải nghiệm dịch vụ khách hàng đã giúp Phê La tạo ra một lượng thảo luận lớn và tích cực trên mạng xã hội.

Bông Biêng: "Tân binh" trà hương hoa và sức hút tinh tế từ những giá trị văn hóa Việt

Bông Biêng, một thương hiệu trà sữa mới nổi tại Hà Nội từ cuối năm 2024, đang nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận nhờ vào concept độc đáo "trà hương hoa". Những món đồ uống mang tên gọi mỹ miều như Lan Cheese hay Thanh Trà của Bông Biêng mang đến một trải nghiệm hương vị thanh nhẹ, tinh tế và được định vị là lành mạnh, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế hệ Gen Z và nhóm khách hàng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Bông Biêng đã rất khéo léo trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để quảng bá hình ảnh "ly trà sữa đẹp nhất Hà Nội". Từ chiến dịch Tết 2024 hợp tác cùng Lalin - Thanh Vân Lam, một thương hiệu thời trang thiết kế, đến bộ sưu tập đồ uống lấy cảm hứng từ nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan mang tên "Chi Thanh", tất cả đều cho thấy sự đầu tư vào nội dung truyền thông giàu cảm xúc, nhấn mạnh vào bản sắc văn hóa Việt.

Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương - Ảnh 5

Cách tiếp cận này đã giúp thương hiệu xây dựng được một hình ảnh "có gu", tinh tế và khác biệt trong mắt đối tượng khách hàng trẻ. Định hướng sản phẩm của Bông Biêng đi ngược lại với Phê La, thay vì tập trung vào trà đậm vị, Bông Biêng lại khai thác dòng sản phẩm trà nhẹ nhàng, thanh thoát, từ đó tiếp cận một tệp khách hàng khác biệt.  Các bộ sưu tập đồ uống của Bông Biêng đều có một nhận diện hình ảnh bắt mắt riêng, giống như cách một thương hiệu thời trang ra mắt các bộ sưu tập quần áo mới. Đây cũng là một thương hiệu ghi dấu ấn nhanh chóng trên thị trường nhờ việc khéo léo khai thác các yếu tố văn hóa Việt Nam vào trong sản phẩm trà sữa của mình.

Thời điểm thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, nhiều khách hàng đã sẵn sàng xếp hàng từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để có thể thưởng thức những sản phẩm trà sữa hương hoa "best seller". Cơ sở thứ hai của Bông Biêng mới khai trương vào đầu tháng 5 vừa qua cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng. Dòng sản phẩm trà hương hoa của Bông Biêng đã thu hút hàng chục nghìn lượt đặt hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn chỉ sau 6 tháng ra mắt.

Cuộc đua "chiều lòng thượng đế" trên thị trường trà sữa Việt: Khi trải nghiệm và bản sắc định vị ngôi vương - Ảnh 6

Công thức thành công trong "biển đỏ": Sự kết hợp giữa sản phẩm chất lượng, không gian độc đáo và dịch vụ ổn định

Cả Phê La, Katinat và Bông Biêng, dù đều là những tên tuổi tương đối mới trên thị trường so với các "lão làng" khác, nhưng đã cho thấy một đà phát triển rất tốt và tiềm năng lớn. Đội ngũ đứng sau các thương hiệu này đều có sự nhanh nhạy đáng nể trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, biết cách "chiều lòng" khách hàng bằng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, từ đó xây dựng được một tệp khách hàng trung thành và thậm chí là khai thác những nhu cầu ẩn sâu bên trong để tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.

Thành công của các thương hiệu trà sữa này nằm ở việc họ đã xây dựng vững chắc một chiếc kiềng ba chân: đó là sản phẩm lõi và các sản phẩm 'merchandise' đi kèm phải thực sự chất lượng, không gian quán phải có 'chất' riêng, độc đáo và thu hút, cùng với đó là một quy trình phục vụ khách hàng ổn định, chuyên nghiệp. Đây là ba yếu tố mà bất kỳ thương hiệu nào cũng đều phải làm tốt để có thể 'sống tốt' và tạo được sự nổi bật trong một thị trường F&B luôn có sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay". Cuộc đua trên thị trường trà sữa Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều diễn biến thú vị, và phần thắng sẽ thuộc về những ai không ngừng đổi mới, sáng tạo và luôn đặt khách hàng làm trọng tâm trong mọi chiến lược của mình.

Bảo An 

Từ khóa:
#h