Dọc theo chiều dài đất nước, hình ảnh cây trà ghi dấu sâu đậm bởi thổ nhưỡng của từng vùng trà, bởi lối sống và thói quen canh tác, mang đến những nét riêng đậm đà hồn Việt. Tại Việt Nam, trà được bắt nguồn từ những địa phương phía Bắc giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ vào việc phát triển có quy hoạch, hiện nay đã có hơn một nửa số tỉnh trên cả nước trồng và khai thác.
Các vùng như Tây Bắc và phương Nam của Việt Nam là nơi tập trung trồng nhiều nhất, ngoài ra khu vực Tây Nguyên và Lâm Đồng cũng nổi tiếng với các loại trà ngon. Bên cạnh những địa phương được quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu, thì cũng có những nơi mà cây chè được người dân trồng hoang vẫn rất nổi tiếng nhờ vào hương vị trà độc đáo tại các tỉnh như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang.
Vùng trà Tây Bắc
Vùng đất Tây Bắc được biết đến là nơi có nhiều vùng trồng chè, cung cấp nguyên liệu làm trà có chất lượng cao, hương vị thơm ngon đầy ấn tượng. Không những thế, nơi đây được thiên nhiên ưu ái dệt nên cảnh sắc tươi đẹp nhờ vào những đồi chè xanh mướt.
Vùng đất Tây Bắc, Việt Nam với đặc trưng khí hậu và thời tiết mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển. Nhờ vào điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, những vùng chè Tây Bắc nổi tiếng với những loại trà ngon, cũng như là nơi cung cấp nguyên liệu để sản xuất các loại trà chất lượng cao.
Lào Cai hiện có hơn 6.500 ha chè với hơn 8.000 hộ tham gia trồng chè. Một trong những địa phương có vùng chè hàng hóa lớn nhất tỉnh, liên kết sản xuất ổn định trong thời gian dài là huyện Mường Khương. Diện tích trồng chè tại Mường Khương liên tục được mở rộng qua các năm, từ các xã hạ huyện như Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai tới các xã vùng cao như Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng.
Vùng chè ở huyện Mộc Châu có từ những năm 1960, hiện nay toàn huyện có khoảng 3.000 ha trồng chè với sản lượng đạt 24.000 tấn mỗi năm. Những đồi chè Mộc Châu chủ yếu là giống chè Shan tuyết. Cây chè shan tuyết mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp nhiều hộ gia đình nghèo khó vươn lên làm giàu.
Tại vùng Suối Giàng - Yên Bái nổi tiếng với loại trà được thu hái từ những cây chè cổ thụ tự nhiên lâu đời. Nổi tiếng với thương hiệu chè Shan Tuyết với đặc trưng lá trà phủ lông trắng, là loại trà được ưa chuộng trên thế giới. Những cây chè ở đây đều có độ tuổi trên 100 năm, đặc biệt có những cây có tuổi thọ lên đến 300 năm. Chính điều này đã mang lại sự nổi tiếng về chất lượng, cũng như đặc trưng riêng của trà Shan Tuyết mà chỉ nơi này mới có.
Mỗi vùng đất sẽ có những đặc trưng riêng về hương vị, chất lượng tùy thuộc vào phương pháp chế biến, quy trình chăm sóc. Vùng chè Tây Bắc nức tiếng bao đời với những loại trà được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo phương pháp cổ truyền, mang lại hương vị nhẹ nhàng, thuần khiết được nhiều người yêu thích. Hương sắc mỗi loại trà xuất thân từ vùng Tây Bắc này đều mang hương vị núi rừng đặc biệt trong từng sợi trà.
Vùng trà phương Nam
Nếu những vùng trà miền Bắc nổi bật về hương vị thì vùng trà phương Nam có một nét đặc trưng hiếm có. Nhắc đến vùng trà phương Nam, người ta sẽ nghĩ đến những đồi chè xanh ngút tầm mắt với vị trà mang trọn hương vị núi rừng.
Lâm Đồng có diện tích trồng trà lớn nhất Việt Nam, với 23.876 ha chè. Cây trà xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt), sau đó theo quá trình hình thành và phát triển, trà đã có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau năm 1930, khi thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành con đường QL 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn. Đây là một trong những loại cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất này và khẳng định được vị trí chủ đạo của mình, bắt đầu từ những đồn điền của người Pháp vùng Bảo Lộc như: Felit B’lao, B’lao Sierré…
Vào những năm của thập niên 80, cây trà tiếp tục được trồng trọt trên những mảnh đất được tự người nông dân khai phá. Giống trà cũng như kĩ thuật trồng trọt chủ yếu thông qua phương thức truyền đạt kinh nghiệm của những người đã từng làm việc cho các đồn điền trà ngày trước của Pháp, phương thức gây giống khá đơn giản, chủ yếu lấy quả của các cây trà rồi ươm hạt nảy mầm. Đến những năm 90 bắt đầu xuất hiện giống chè mới.
Từ đó đến nay, vùng trà phía Nam dần hình thành, người dân sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương tăng lên. Một thế giới riêng của những người làm trà trên vùng đất bazan được mở rộng. Giờ đây, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở vùng đất này.
Ngày nay những vùng đất chè nổi tiếng của Việt Nam đã đem đến hàng loạt thương hiệu chè chất lượng, được ưa chuộng trong và ngoài nước. Không những thế đây còn là điểm đến tuyệt đẹp của những ai yêu thích du lịch và khám phá. Chúng ta tự hào với những giống trà hảo hạng nổi tiếng, xuất phát từ những vùng trồng trà nổi tiếng - nơi may mắn làm sao, được thiên nhiên ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tuyệt vời để sản xuất trà ngon.
Dinh Dinh