Ngày 12/1, trong không khí trang nghiêm, thầy trò Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức lễ Macchabée để tri ân và bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hiến thân xác cho khoa học.
“Những người thầy không bục giảng”
Trước căn phòng giải phẫu, nơi bảo quản hai thi hài được sử dụng trong giảng dạy và nghiên cứu của Khoa Y Dược xếp đầy những ngọn nến và hoa.
Dọc theo các bờ tường là những cánh chim hạc giấy được các bạn sinh viên gấp tỉ mỉ như một lời tri ân sâu sắc gửi đến thân nhân những người hiến xác.
Từng dòng người xếp hàng nối dài từ cầu thang tầng 1 kéo dài lên đến tầng 5, nơi đặt khoa giải phẫu. Trong trang phục áo blouse trắng, các thầy cô, các bạn sinh viên và ban lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã kiên nhẫn chờ đợi thắp nén tâm nhang bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc đến những người đã hiến xác cho khoa học.
“Thầy trò chúng tôi xin hứa sẽ trân trọng từng chi tiết nhân thể trong quá trình dạy và học. Đồng thời sẽ cố gắng để học tập và nghiên cứu tốt, trở thành những y bác sĩ – nhân viên y tế có trình độ chuyên môn và y đức tốt.
Qua đó góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe người bệnh hiệu quả nhất, để sự cống hiến nhân thể của những người hiến xác trở nên ý nghĩa gấp nhiều lần.
Sự cống hiến và hy sinh ấy âm thầm, lặng lẽ nhưng trong trái tim của thầy trò nhà trường, đó chính là sự cống hiến vô cùng trân trọng và bất tử với thời gian”, lãnh đạo Khoa Y Dược chia sẻ.
Đây là lần thứ 3, Khoa Y Dược – Đại học Đà Nẵng tổ chức lễ tri ân Macchabée sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Nhiệm – Phó trưởng Khoa Y Dược nói rằng, giải phẫu học là môn học cơ sở ngành quan trọng hàng đầu và là nền tảng cho sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe.
“Môn học này giúp sinh viên học tập, hoàn thiện năng lực chuyên ngành và phát triển nghề nghiệp sau này. Và tiêu bản nhân thể là một phương tiện đặc biệt và thiết yếu để dạy và học giải phẫu hiệu quả.
Dù rằng theo đà phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, chúng ta có các mô hình và cả các hệ thống ảo để giúp cho việc giải phẫu bớt phụ thuộc hơn vào nguồn thi hài vốn ngày càng khan hiếm.
Tuy nhiên, hầu hết mô hình, công nghệ đều chỉ là phương tiện hỗ trợ tích cực mà khó có thể thay thế được những bài học với tiêu bản nhân thể mà sinh viên trường y chúng tôi vẫn gọi là: "những người thầy không bục giảng"", thầy Nhiệm nói.
Cũng theo thầy Nhiệm thì việc tận tay chạm đến các cấu trúc cơ thể người với kiến thức đang học là một trải nghiệm học tập quan trọng giúp hình dung và ghi nhớ kiến thức để áp dụng cho các môn học kế tiếp cũng như các phương pháp kỹ thuật khám, chữa bệnh sau này.
“Việc đứng trước một thi hài là một điều thiêng liêng và cũng là một thử thách tâm lý lớn cho nhiều sinh viên. Vượt qua được cảm giác sợ thì mới sẵn sàng đối mặt với những tình huống cứu chữa người bệnh đôi khi ở tình trạng tổn thương còn phức tạp hơn nhiều tình huống đã học.
Vượt qua được điều đó thì người học trường y mới càng có quyết tâm học tập và theo đuổi nghề đến cùng”, thầy Nhiệm chia sẻ.
Lời tri ân của sinh viên Khoa Y Dược
Trần Đức Phúc An – sinh viên YK21A chia sẻ, lần đầu chứng kiến những thân xác ấy trong phòng nhân thể, em đã có một cảm xúc thật khó tả, lòng đầy xót xa, tim cứ nhói lên từng hồi cùng nỗi buồn đượm lại và rất nhiều suy nghĩ hiện lên trong đầu.
“Em không biết họ là ai nhưng biết rằng họ đã để lại trong em và những sinh viên ngành y dược sự kính trọng và nể phục. Bởi chính những thân xác ấy đã giúp cho chúng em có thêm nhiều bài học vừa thực tiễn, vừa mang giá trị nhân văn cao đẹp.
Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật không ai có thể né tránh được, vòng đời mỗi người vốn dĩ rất ngắn ngủi. Ai được sinh ra rồi cũng phải có ngày rời xa nhân thế nhưng những nghĩa cử cao đẹp mà họ để lại cho đời thì mãi trường tồn theo thời gian.
Có những người khi cận kề cửa tử, họ mong sao cho mình có thể làm gì đó ý nghĩa, góp một phần bé nhỏ để giúp thế hệ sau được phát triển tốt hơn. Và thân xác là thứ họ hiến tặng cho đời, nói chính xác hơn, đó là việc hiến xác cho y học và khoa học.
Việc hiến xác là điều vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. "Những người thầy thầm lặng ấy" đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của khoa học nói chung và y học nói riêng”.
Phúc An cùng hàng trăm sinh viên Khoa Y Dược đã cùng cúi đầu để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến "những người thầy thầm lặng". Tự mỗi người đều nhủ với lòng rằng, sẽ sống thật tử tế, trở thành một người tốt, giúp người, giúp đời.
Một số hình ảnh tại buổi lễ Tri ân
Nguyễn Tuyên - Tấn Minh