Đăk Glei - KonTum: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện Đăk Glei, tỉnh KonTum vốn đã tồn tại từ rất lâu đời, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như Dẻ Triêng, Xê đăng… Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, bảo tồn, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang là vấn đề đặt ra tại huyện Đăk Glei nói riêng và toàn tỉnh Kon Tum nói chung.

Tôi đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Đăk Kroong, là làng nghề dệt truyền thống của người Giẻ Triêng. Toàn xã hiện có hơn 16 hộ gia đình làm nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Tại gia đình bà Y Nhang ở thôn Đăk Po là một gia đình có truyền thống nghề dệt thổ cẩm từ lâu đời, trong ngôi nhà sàn cổ kiên cố, cặm cụi bên khung dệt, chứng kiến những công đoạn dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của bà, chúng tôi cảm nhận được sự chịu khó, tinh thần yêu nghề, yêu bản sắc dân tộc, qua những đường dệt, từng họa tiết văn hoa trên từng tấm vải.

Để dệt nên tấm vải bà phải bỏ công mất mấy ngày trời, tiền công chẳng được là bao, khoảng vài trăm nghìn, nhưng bà rất trân quý. Đặc biệt, sau khi được biết nghề dệt thổ cẩm truyền thống của 7 dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh đã và đang được chính quyền địa phương tỉnh Kon Tum chú trọng bảo tồn và phát huy, bà Y Nhang càng tự hào hơn với cái nghề mà cha ông mình để lại.

Bà Y Nhang, thôn Đăk Po, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Nghề dệt truyền thống có từ lâu đời. Khung cửi tuy thô sơ làm bằng tre, gỗ nhưng đã tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo bằng thời gian và công sức của người thợ dệt. Đặc biệt từ khi xã, huyện, tỉnh có chủ trương khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống tôi cũng rất vui và tiếp tục nghề dệt”. Tôi thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất đẹp, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng.

Đăk Glei - KonTum: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống - Ảnh 1
Gia đình bà Y Nhang ở thôn Đăk Po là một gia đình có truyền thống nghề dệt thổ cẩm từ lâu đời ở đây.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống chủ yếu do ông bà trước đây để lại. Có những thời điểm tưởng như bị mai một do ít người quan tâm. Sự xuất hiện của các sản phẩm ngành dệt may công nghiệp với mẫu mã đa dạng, phong phú đã đẩy nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống đến khó khăn. Với ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh KonTum đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh”. Cùng với đó, năm 2022 Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch chủ trì hoạt động khôi phục nghề dệt truyền thống tại xã Đăckrong. Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.

Đăk Glei - KonTum: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống - Ảnh 2
Toàn xã Đăk Kroong hiện có hơn 16 hộ gia đình làm nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống.

Tranh thủ thời gian nghỉ học, em Y Rưa, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh KonTum cũng đã tham gia lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn về khôi phục nghề dệt thổ cẩm do xã Đăk Kroong tổ chức. Tại lớp tập huấn này đã có nhiều hội viên phụ nữ tham gia, trong đó đã có cả thế hệ trẻ em Y Rưa, em chia sẻ em nói: “Giờ em thấy những người trẻ tuổi như em ít biết nghề này lắm, riêng bản thân em luôn suy nghĩ mình là người dân tộc Giẻ Triêng cần phải biết dệt thổ cẩm, nên ngoài việc học tập tranh thủ rảnh rỗi em học thêm nghề nghề này"

Huyện đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng nông nghiệp, phát triển nông thôn huyện, các già làng, nghệ nhân ,trưởng bản phối hợp các ban ngành mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng.
Huyện đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng nông nghiệp, phát triển nông thôn huyện, các già làng, nghệ nhân ,trưởng bản phối hợp các ban ngành mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng.

Với quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống huyện Đăk Glei đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, UBND huyện Đăk Glei đã thành lập được các tổ nhóm dệt thổ cẩm ở các bản, làng nhằm khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Triển khai thực hiện, huyện đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng nông nghiệp, phát triển nông thôn huyện, các già làng, nghệ nhân ,trưởng bản phối hợp các ban ngành mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng; hỗ trợ khung dệt, vật liệu cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết nhất. Huyện luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ đó tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các giải pháp hướng đến sản phẩm du lịch địa phương. Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm là cơ hội tạo việc làm cho chị em phụ nữ. Ngoài thời gian lao động làm nương rẫy, những lúc rảnh rỗi các chị có thể tập trung dệt để tăng nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình. Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào, người dân nơi đây.

Chính quyền nơi đây đang ra sức đứng ra khôi phục làng nghề dệt truyền thống 
Chính quyền nơi đây đang ra sức đứng ra khôi phục làng nghề dệt truyền thống 

Để tiếp tục khôi phuc, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại huyện Đăk Glei nói riêng và các huyện trong tỉnh Kon Tum nói chung, bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, của các cá nhân, tổ chức tâm huyết với nghề. Cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền để khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu.

Nhật Hào