Đánh giá thị trường chứng khoán ngày 24/9: VN-Index có thể tiếp tục hồi phục

Thị trường chứng khoán trong nước vẫn dao động trong xu hướng đi ngang với áp lực chốt lời từ nhóm smallcap, khối lượng giao dịch tăng đột biến và chỉ đứng sau phiên kỷ lục 1,72 tỷ cổ phiếu ngày 20/8 vừa qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường có phiên hồi phục thứ hai liên tiếp. Kết phiên, VN-Index tăng 2,08 điểm (tăng 0,15%) lên 1.352,76 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 160 mã tăng, 50 mã tham chiếu, 271 mã giảm. HNX-Index giảm 2,41 điểm (giảm 0,66%) xuống 361,02 điểm.

Độ rộng trên sàn HNX là tiêu cực với 107 mã tăng, 46 mã tham chiếu, 153 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 1.160 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 25.146 tỷ đồng.

Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 24/9/2021.

Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC)

Theo quan điểm của BSC, thị trường duy trì tục xu hướng giằng co quanh ngưỡng 1350 điểm trong phiên giao dịch 23/9. Dòng tiền đầu tư co hẹp vào 1 số ngành khi chỉ có 9/19 nhóm ngành vận động khả quan so với phiên trước.

Các nhóm ngành củng cố đà tăng của thị trường là: Bán lẻ, Tiện ích và Y tế. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản tăng trở lại, cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn tại ngưỡng tâm lý 1350 điểm.

Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại cả 2 sàn HSX và HNX. Với xu hướng như trên, thị trường nhiều khả năng vẫn có thể vận động tích lũy quanh ngưỡng 1350 điểm cho đến khi dòng tiền đầu tư phân hóa theo KQKD quý III.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS)

Theo MBS, thị trường tiếp tục ở trạng thái dao động trong vùng tích lũy kéo dài 3 tuần vừa qua, dòng tiền chốt lời từ nhóm cổ phiếu nhỏ khả năng sẽ quay trở lại nhóm bluechips trong các phiên tới khi nhóm bluechips về cơ bản vẫn ở trạng thái tích lũy và chưa tăng nhiều.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index cao hơn ngưỡng 1.350 điểm mở ra cơ hội để hướng tới đỉnh tháng 8 khi dòng tiền có sự chuyển hướng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

VN-Index vẫn chưa thể vượt được vùng 1.360 điểm và quay đầu trở lại. Thanh khoản khớp lệnh tăng so với các phiên trước, cho thấy áp lực chốt lời gia tăng trở lại. Tuy nhiên nếu xem xét chi tiết thì áp lực chốt lời này phần lớn đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sau giai đoạn tăng giá mạnh, nhóm VN30 cũng bị ảnh hưởng chốt lời nhưng mức độ không lớn.

Với áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu, có thể VN-Index sẽ tạm lùi bước để kiểm tra dòng tiền hỗ trợ. Nếu dòng tiền chốt lời tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì đó sẽ là động thái hỗ trợ tốt cho thị trường.

Mặc dù tín hiệu giao dịch chưa tốt nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian gần tới, đặc biệt là những cổ phiếu có nền tích lũy tích cực. Do vậy, Quý nhà đầu tư nên quan sát chuyển động của dòng tiền và cơ cấu danh mục hợp lý.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

VN-Index hồi phục phiên thứ hai liên tiếp, qua đó giữ được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản khớp lệnh trong phiên 23/9 lại gia tăng và kết hợp với mẫu hình nến thì có thể thấy là áp lực bán ra về cuối phiên là khá mạnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 400 tỷ đồng trên hai sàn cũng tạo ra áp lực lên thị trường chung.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 24/9, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.375-1.380 điểm nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.350 điểm được giữ vững.

Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.