Cơ chế thông thoáng, chất lượng chuẩn mực
Chia sẻ về nguyền nhân dẫn đến quy môn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm Thứ trưởng Sơn cho hay ngoài nguyên nhân chủ quan, khách quan còn có yếu tố cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài. Tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường tốp cao kém hơn các trường khác là một trong những bất cập trong thực tế. Vì vậy, Bộ GD-ĐT chủ trương xây dựng lại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đảm bảo theo đúng quy định của luật và yêu cầu tập trung vào chất lượng.
Theo Thứ trưởng, Quy chế có thể giảm bớt các yêu cầu về quy trình, thủ tục không cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Nguyên tắc căn bản là chuẩn mực về chất lượng, tuyển sinh, đề cao tính công bằng, khách quan, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Từ đó, tạo ra cơ chế thông thoáng; nếu có cạnh tranh thì phải cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với nhau và với quốc tế, từng bước hướng tới chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Thứ trưởng yêu cầu, cần có sự nhất quán giữa các quy chế. Quy chế cần làm rõ thế nào là đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng; đồng thời quy định về công tác tuyển sinh, đào tạo… Làm sao để các trường quyết định dựa trên đặc thù lĩnh vực, ngành đào tạo, nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, khách quan và chuẩn đầu ra.
“Chúng ta chỉ có thể tăng được quy mô đào tạo khi chúng ta đảm bảo với xã hội, cam kết với xã hội về chất lượng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị, từ kinh nghiệm và thực tiễn của nhà trường, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kĩ dự thảo để có những góp ý xác đáng, chất lượng, từng bước hoàn thiện Quy chế.
Những bước đổi mới quan trọng về tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ
Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ đã có những bước đổi mới quan trọng về tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, theo hướng tăng cường tự chủ, công khai, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở GD-ĐH, tiệm cận với thông lệ của các nước phát triển. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD-ĐT ban hành.
Các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp (thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp hai phương thức này,…), đồng thời, tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định, thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.
Dự thảo Quy chế cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau, được xác định tuỳ vào chương trình đào tạo ở trình độ đại học của người học.
Dự thảo quy định tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo hệ thống tín chỉ. Các cơ sở đào tạo xây dựng quy chế tổ chức đào tạo theo tín chỉ áp dụng trong tổ chức chương trình đào tạo ở trình độ thạc sĩ, dựa trên quy chế về đào tạo tín chỉ được quy định ở trình độ đại học. Để hạn chế tình trạng chương trình học tập quá ngắn so với quy định tại Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở đào tạo phải quy định khối lượng tín chỉ học viên đăng ký tối thiểu và tối đa cho mỗi học kỳ.
Dự thảo Quy chế quy định theo hướng cho phép chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thể tổ chức đào tạo trực tuyến nhưng không quá 30% khối lượng kiến thức của toàn bộ chương trình đào tạo.
Để hạn chế việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ tràn lan và không có công cụ kiểm soát chất lượng, dự thảo đã chỉnh lý, làm rõ về hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiêu chuẩn người hướng dẫn đối với chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu.
Đối với chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo quy định cho từng chương trình cụ thể, học viên có thể học các học phần trong toàn bộ chương trình và có điểm đánh giá dự án hoặc bài luận cuối khóa học (nếu có).
Dự thảo bổ sung quy định yêu cầu minh bạch tra cứu văn bằng để phục vụ công tác hậu kiểm. Quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ phải đạt trình độ bậc 4 theo khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam của dự thảo cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam.
Đức Duy
Theo Công lý