Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) báo lãi 256 tỷ đồng sau 10 tháng kinh doanh

Lũy kế 10 tháng, lợi nhuận sau thuế toàn công ty đạt 256 tỷ đồng, tăng 60,6 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 31%, hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) báo lãi 256 tỷ đồng sau 10 tháng kinh doanh - Ảnh 1

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10 ghi nhận doanh thu tiêu thụ tháng 10/2022 đạt xấp xỉ 570 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương 23%.

Sau 10 tháng kinh doanh, doanh thu tiêu thụ 10 tháng đầu năm đạt 5.828 tỷ đồng, tăng 1.286 tỷ đồng với cùng kỳ tương ứng với mức tăng 28%. Tính đến hết tháng 10, Công ty hoàn thành 97% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế tháng 10/2022 của Công ty đạt 25,9 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ tháng 10/2021. Lũy kế 10 tháng, lợi nhuận sau thuế toàn công ty đạt 256 tỷ đồng, tăng 60,6 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 31%, hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.

Này 20/10/2022, Công ty đã tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2022 bằng tiền cho các cổ đông với tỷ lệ 4%/mệnh giá, tương ứng số tiền là hơn 42 tỷ đồng.

Công ty cũng đã chi trả hơn 139 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu kỳ thứ 12 của trái phiếu TNG119007. Như vậy, Công ty đã hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với trái phiếu TNG119007 và thực hiện thành công thủ tục hủy đăng ký trái phiếu do đến thời gian đáo hạn.

Theo báo cáo triển vọng của ngành dệt may do Công ty Chứng khoán VnDirect phát hành, ngành sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Hiện 85% doanh thu của các công ty dệt may đến từ xuất khẩu, trong đó Mỹ và EU chiếm 61%. Theo quan điểm của VnDirect, định giá cổ phiếu dệt may như hiện nay tương đối rẻ nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn với những khó khăn trước mắt. Do đó, khuyến nghị Trung lập đối với các cổ phiếu ngành dệt may.

Chưa kể, rủi ro đầu tư với nhóm này còn đến từ chi phí vận chuyển tăng cao. Chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào tháng 3/2022, tăng gấp sáu lần trong vòng 4 năm.

Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 4/22 (-10% so với tháng 3/22), song dự phóng rằng chi phí logistic sẽ vẫn ở mức cao (~7000 USD/container 40ft) trong năm 2022 do giá dầu leo thang. Chi phí logistic cao hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc có nhiều đơn hàng FOB.

Ngoài ra, lạm phát kéo dài hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm đối với các sản phẩm dệt may.

Tuy vậy, theo VnDirect, triển vọng của ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong Q1/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ EVFTA.

Theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2% - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023.

Lạm phát thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang trong năm 2023. Do đó, kỳ vọng một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu com-lê, áo sơ mi, quần và váy sang châu Âu như MSH, M10, VGG, TNG sẽ được hưởng lợi từ EVFTA.

Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt, triển vọng xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 gặp thách thức trước mắt với nguy cơ đơn đặt hàng bị cắt giảm.

Đơn đặt hàng hàng may mặc có thể chậm lại trong Quý 3/2022 do tác động tiêu cực của thị trường do lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao phía khách hàng.

Cùng với đó, FIFA World Cup 2022 tại Qatar được cho là sẽ không tạo lên khởi sắc nào cho các doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao hay giày dép trong 2H22 do đây kỳ World Cup đầu tiên không được tổ chức trong kỳ nghỉ hè bình thường và dự kiến diễn ra trong thời gian ngắn. Trong khi nhu cầu chậm lại, hàng tồn kho bán lẻ vẫn tăng. Do vậy, nhu cầu giảm và chu kỳ tồn kho kéo dài sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc trong năm 2023, hoặc sẽ có ảnh hưởng từ Quý 4/2022. Tỷ giá USD/VND leo thang cũng tác động đến các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Dù tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng, nhưng tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD vẫn đang thấp trong xu hướng mất giá chung. Vậy nên tác động đầu tiên là giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường xuất khẩu so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may có doanh thu bằng USD, tuy nhiên họ cũng phải chịu chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào cũng bằng USD, chi phí logistic, và chi phí lãi vay (đặc biệt là vay ngắn hạn bằng đồng USD trong thời kỳ lãi suất tăng cao và nhiều biến động).

Tuy nhiên, khi doanh thu bằng đồng USD không đủ để bù đắp phần chi phí, các doanh nghiệp dệt may sẽ chịu tác động tiêu cực khi tỷ giá USD/VND leo thang.

Mặt khác, ngoài ảnh hưởng tỷ giá USD/VND, một số doanh nghiệp dệt may có thị trường tiêu thụ tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng khi sức mua của khách hàng châu Âu suy yếu với một phần nguyên nhân là do đồng EUR đã suy giảm đáng kể.