Trong báo cáo cập nhật ngành dệt may 9 tháng năm 2022, Chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) cho biết, dự tính trong thời gian tới, TNG sẽ tăng thêm 95 chuyền may thuộc quản lý của xưởng Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai. Cụ thể, năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động 27 chuyền may của nhà máy Đồng Hỷ và 16 chuyền may của nhà máy Võ Nhai, tăng thêm khoảng 15% công suất hiện tại.
Theo kế hoạch, một nửa số đất thương phẩm tại CCN Sơn Cẩm 1 (tương đương 25ha) sẽ được sử dụng để di chuyển 02 nhà máy là Việt Đức và Việt Thái. Một nửa còn lại sẽ được chuyển nhượng với giá khoảng 102-105 USD/m2 hoặc cho thuê với giá khoảng 3-3,5 USD/m2/tháng, dự kiến giá thuê này cạnh tranh hơn so với các khu công nghiệp lân cận như VSIP (giá cho thuê đang là 4-4,5 USD/m2/tháng).
Hiện nay, TNG đã ký bản ghi nhớ đặt cọc trước cho khoảng 6 ha. Dự kiến lô đất này sẽ bán đứt cho đối tác và với giá bán ước tính như trên, doanh thu đem về sẽ rơi vào khoảng 138 tỷ đồng với lợi nhuận khoảng 25 tỷ đồng.
Theo như trao đổi với doanh nghiệp, phần lớn doanh thu từ bất động sản ghi nhận trong năm nay sẽ đến từ hợp đồng này.
Cũng theo VCBS, giống như phần lớn các doanh nghiệp dệt may khác, khoảng 80% đơn hàng của TNG là FOB. Tuy nhiên doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu để mở rộng chuỗi giá trị sang các đơn hàng ODM, với biên lợi nhuận cao hơn 3-4 lần so với FOB. Hiện nay, TNG đã bắt đầu bán các sản phẩm ODM với thương hiệu quần áo nội địa của TNG nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu, khoảng dưới 1%. Nhưng đây vẫn là dấu hiệu khả quan để TNG có thể mở rộng biên lợi nhuận trong tương lai so với các đơn hàng truyền thống.
Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của TNG luôn cao hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành, duy trì trong khoảng 150- 200%, trong đó phần lớn là nợ vay bằng USD. Dưới tác động của tỷ giá USD/VND tăng đột biến trong nửa đầu năm, khiến cho ảnh hưởng từ tỷ giá giảm từ lãi 6 tỷ đồng tại 6 tháng năm 2021 sang lỗ 11 tỷ đồng tại 6 tháng năm 2022. Theo đánh giá vĩ mô, tỷ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên các doanh nghiệp có tỷ lệ có tỷ lệ nợ vay nước ngoài cao như TNG sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình biến động trên thị trường.
Nhìn chung, VCBS tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của TNG trong năm tiếp theo dựa trên dự kiến tình hình đơn hàng sẽ kém tích cực tại các thị trường xuất khẩu chủ đạo từ quý IV/2022, ảnh hưởng bất lợi từ các khoản nợ bằng USD, kỳ vọng vào vào sự hỗ trợ đến từ doanh thu bất động sản. Vì vậy, VCBS đưa ra khuyến nghị trung lập cho TNG với giá mục tiêu là 21.400 đồng/CP.