Không chỉ để các em tránh rủi ro khi sự cố xảy ra, mà còn có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho người thân trong gia đình và xã hội.
Dạy lồng ghép
Từ nhiều năm nay, Trường Mầm non Tuổi thơ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ. Điều này giúp trẻ có kiến thức và kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra. Cùng với đó, nhà trường mời các đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến để tập huấn cho các GV, nhân viên và HS của nhà trường. 100% cán bộ, GV, nhân viên và HS được tham dự và thực hành về phòng cháy chữa cháy.
Qua việc giáo dục trẻ, nhà trường cũng tuyên truyền tới các phụ huynh để thấy được tầm quan trọng của việc phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra. Bằng nhiều hình thức khác nhau, phụ huynh có kiến thức ban đầu về việc phòng cháy chữa cháy thông qua các tờ pano GV gửi về nhà cho các con và phụ huynh cùng tìm hiểu.
Giáo dục kỹ năng sống
Ngoài các tiết học trên lớp, Trường Mầm non Kangaroo (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thường xuyên lồng ghép các buổi ngoại khoá giáo dục kỹ năng sống để nâng cao kiến thức cho trẻ thông qua các tình huống giả định, nhận biết các dụng cụ chữa cháy, xe cứu hỏa, ghi nhớ số điện thoại cứu hộ.
Bà Đặng Hồng Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kangaroo chia sẻ: Trẻ rất thích thú, hào hứng khi được tiếp cận xe, phương tiện chữa cháy tại đơn vị. Trẻ mầm non cũng khắc phục được tâm lý sợ những bộ đồng phục cứu hỏa, hiểu hơn về công việc của lính cứu hỏa, nghề có thể trẻ sẽ chọn sau này.
Để cụ thể hóa công tác giáo dục quan trọng này, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục. Đây là những quy định cần thiết và đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo GV, HS và cha mẹ HS.
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, việc dạy kỹ năng cho HS hầu như chỉ tập trung tại một số cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tại các trường công lập, nhà trường chủ yếu vẫn chú trọng việc “dạy chữ”.
Nắm bắt được những nguy cơ do cháy, nổ gây ra, hiện nay tại một số trường cũng bắt đầu đưa các tiết học kỹ năng sống về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cho HS.
Theo dự thảo, trẻ em mầm non sẽ được giáo dục để nhận biết và phòng tránh được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố, tai nạn thông thường, có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy. HS tiểu học sẽ được học 5 tiết/năm học; HS THCS học 10 tiết/năm học; HS THPT và học viên giáo dục thường xuyên học 15 tiết/năm học... Việc trang bị đầy đủ những kiến thức về cháy, nổ hay những kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy chính là hành trang cho các em trong cuộc sống sau này.
Việt Cường
Theo Giáo dục & Thời đại