Đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn tình trạng thao túng giá bất động sản

Thao túng giá bất động sản là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường nhà đất mất ổn định. Những chiêu trò như đẩy giá, tung tin đồn thất thiệt, và tạo nhu cầu ảo đang khiến giá bất động sản tăng vọt không kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và nhà đầu tư. Để ngăn chặn tình trạng này, cần triển khai các biện pháp mạnh mẽ từ Chính phủ, tăng cường minh bạch thông tin và quản lý giao dịch, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bất động sản lành mạnh và bền vững.

Đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn tình trạng thao túng giá bất động sản.  
Đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn tình trạng thao túng giá bất động sản.  

Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất cao rồi bỏ cọc là một trong những hành vi thao túng, thổi giá thị trường.

Theo quy định pháp luật, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất phải tuân thủ theo Luật Đất đai và Luật Đấu giá. Tuy nhiên, những kẽ hở trong quy định và chế tài chưa đủ mạnh đã tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân trục lợi bằng cách thổi giá, sau đó bỏ cọc, khiến giá đất bị đẩy lên mức ảo.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị điều chỉnh bởi các quy định nghiêm ngặt trong Bộ luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc giá bất động sản bị tác động tiêu cực có dấu hiệu tác động từ nhiều nhóm động cơ không lành mạnh. Từ việc chung cư tăng giá, đến các phiên đấu giá bị lợi dụng để làm cho giá cả tăng lên bất thường, gây ảnh hưởng đến thị trường, khiến sự phát triển của thị trường bất động sản bị lệch lạc.

"Giá nhà tăng cao nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, dự án bất động sản được xây dựng ở rất nhiều nơi nhưng vị trí xây dựng không thuận lợi, dẫn đến không bán được hàng. Trong khi đó, bên cầu kinh doanh lúc này cũng nhận ra thị trường rời rạc, không muốn tiếp tục bỏ tiền vào kinh doanh ở những vị trí không thuận tiện cho sự phát triển này. Điều này là nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản trầm lắng như thời gian qua.

"Giá nhà tăng rất cao giữa khung cảnh thị trường bất động sản tĩnh lặng là nghịch lý của thị trường bất động sản hiện nay", GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm và cho rằng, bỏ tiền đầu tư nhưng không bán được hàng khiến những người kinh doanh bất động sản có nguy cơ bị lỗ, do đó, họ tìm mọi cách để tăng giá.

Về những chiêu trò thổi giá thường được giới đầu cơ bất động sản sử dụng, GS. Đặng Hùng Võ cho hay, thông qua các địa điểm như quán cafe, trà đá, các trang mạng xã hội... những người này đồn thổi tin tức về giá bất động sản sẽ lên cao trong thời gian tới. Tin đồn thổi đi khắp nơi, tạo ra tình trạng người có bất động sản sẽ dừng lại không bán nữa để chờ giá lên. Điều này dẫn đến tính thanh khoản của thị trường rất thấp.

Một chiêu trò nữa cũng được nhóm này sử dụng, đó là thông qua những cuộc đấu giá đất. Cụ thể, khi tham giá đấu giá các lô đất, nhóm đầu cơ thường đặt mức giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của thửa đất để trúng thầu, đến thời hạn nộp tiền các đối tượng này sẽ bỏ cọc để tạo lên mặt bằng giá đất mới cho khu vực này, ví như phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội diễn ra ngày 10/8 vừa qua, có những thửa đất có giá lên tới hơn 100 triệu đồng, gấp 8 lần so với giá khởi điểm.

Thời gian gần, chiêu trò làm tăng giá bất động sản còn được tiếp tay từ đội ngũ môi giới bất động sản thông qua các cuộc gọi đến đến các hộ có nhu cầu hoặc không có nhu cầu bán và liên tục đưa ra giá cao. Tuy nhiên, khi một số chủ nhà đồng ý bán thì đợi mãi không thấy ai tới mua và đội ngũ môi giới cũng biến mất. 

Đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn tình trạng thao túng giá bất động sản - Ảnh 1

Trước tình hình này, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát tình hình đấu giá đất, ngăn chặn các hành vi gian lận, thổi giá.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng. Cụ thể, trong Văn bản số 5333/BXD-QLN ngày 18/9/2024, bộ đã phân tích nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một loạt giải pháp gửi tới Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng.

Để tránh tình trạng bong bóng bất động sản, Bộ Xây dựng đề. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật đối với các dự án, chủ đầu tư và đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu phát hiện. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất nhằm tăng nguồn cung bất động sản, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Thường xuyên công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các dự án phát triển đô thị và nhà ở đã được phê duyệt để bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý”. Mô hình này nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý, bảo đảm quyền lợi của người dân khi mua bất động sản.

Tiến Hoàng