Đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP. Hà Nội

Mục tiêu trong năm 2023, Thành phố Hà Nội có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, tăng khoảng 20 doanh nghiệp so với năm 2022.

Đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP. Hà Nội - Ảnh 1

Trong đó có khoảng 300 - 350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16 -17% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội và chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 11 - 12%, tăng khoảng 1% so với năm 2022.

Để thực hiện được các mục tiêu, Thành phố tập trung triển khai một số nội dung chủ yếu.

Thứ nhất, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thuê chuyên gia tư vấn để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật (bao gồm tư vấn chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, quản lý và phát triển sản phẩm, năng suất và chất lượng, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp...) cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ).

Tổ chức 02 Hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2023 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng/hội chợ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan,...). Thông qua Hội chợ giúp các doanh nghiệp Hà Nội nâng cao năng lực, tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo: linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm; công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may, da giày, công nghiệp công nghệ cao; sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; Tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp (matching) nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất công nghiệp chính.

Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tham gia Hội chợ, triển lãm xúc tiến tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài. Tuyên truyền, quảng bá hoạt động công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Trong đó, đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp; Đánh giá, công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất.

Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội với các nội dung: Quản trị doanh nghiệp; Quản trị sản xuất; Phổ biến, cung cấp thông tin cụ thể về hệ thống tiêu chí áp dụng, đáp ứng yêu cầu khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Giảng viên là các chuyên gia hàng đầu đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Bộ Công Thương, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn.

Thứ ba, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất mới, tiên tiến và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực.

Tiến Hoàng

Từ khóa: