Từ lâu, người Việt Nam đã trồng chè và uống trà. Trà là thức uống truyền thống, không những bổ dưỡng cho sức khoẻ, mà còn mang đậm nét văn hóa giao tiếp của người Việt. Cây chè có tuổi thọ cao, nhanh cho thu hoạch và có khả năng cho thu hoạch quanh năm nên hiệu quả kinh tế cao. Chè trồng một lần, có thể cho thu hoạch từ 30-40 năm hoặc lâu hơn nữa. Nước ta có nhiều vùng chè nổi tiếng chất lượng cao như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng),… Các giống chè shan bản địa cho năng suất cao, chất lượng tốt có thể chế biến thành những sản phẩm như chè vàng, phổ nhĩ và sản xuất chè hữu cơ giá trị cao.
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 7 trên thế giới. Ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng, sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Hiện, cả nước có khoảng 130.000 ha chè các loại, năng suất bình quân đạt trên 77 tạ/ha; sản lượng chè đạt gần 824.000 tấn búp tươi.Chè nước ta được xuất đến trên 70 quốc gia vùng lãnh thổ.
Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 92.800 tấn, thu về 162,62 triệu USD (khoảng 3.970 tỷ đồng). Trong đó, chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm ưu thế với hơn 50% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là chủng loại chè đen, chè ô long và chè ướp hoa. Pakistan tiếp tục là thị trường nhập khẩu chè Việt nhiều nhất, với 62,3 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc chi gần 13,2 triệu USD mua chè Việt Nam, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng mạnh, gần 8 triệu USD. Trong 4 tháng còn lại của năm nay, dự báo xuất khẩu thế chè của nước ta vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, xuất khẩu chè có thể đạt được 150.000 tấn, trị giá khoảng 250 triệu USD trong năm nay. Tiêu thụ trong nước dự báo tăng 5.000 tấn, đạt khoảng 55.000 tấn, tăng khoảng 10 % so với năm 2023. Năm 2024 được dự báo là năm có những tín hiệu tích cực cho cả thị trường xuất khẩu và nội địa
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện nay không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trồng, sản xuất, chế biến chè trong nước rất quan tâm đến chất lượng, sản phẩm trà. Về cơ bản, các HTX đều đã xây dựng được các chứng nhận chè sạch, an toàn. Bên cạnh đó, cải tiến móc móc thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng trà thành phẩm. Đặc biệt là sản phẩm trà Shan rừng đặc sản, các doanh nghiệp, HTX sản xuất trà Shan đã có nhiều thay đổi tích cực từ mẫu mã, công nghệ và cho ra thị trường đa dạng các mẫu mã cùng với việc quảng bá giới thiệu hình ảnh tới người tiêu dùng. Sản phẩm trà đặc sản được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Sự bùng nổ của các cơn sốt như trà sữa đậm vị, trà mix với các sản phẩm khác càng làm tăng bộ nhận diện cho trà đến người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Thời gian tới, thị trường trong nước là một kênh tiêu thụ đầy tiềm năng cho mặt hàng trà chất lượng cao, trà đặc sản.
Tuy nhiên, với thị trường trong nước gần 100 triệu dân, tiêu thụ nội tiêu mới ở mức 55.000 tấn, tính ra trung bình mỗi người dân Việt Nam mới tiêu thụ được khoảng hơn 5 lạng chè/năm, đây là con số còn khá khiêm tốn. Do đó, song song với các mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp không thể bỏ qua thị trường trong nước. Nhất là khi người Việt có thói quen dùng hàng Việt, uy tín hàng hóa trong nước được nâng cao, việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế sẽ dần giảm bớt. Vì thế, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng sẽ chú trọng tiếp tục triển khai các hoạt động giới thiệu đào tạo, tạo trào lưu văn hóa uống trà với đối tượng là thanh niên và quảng bá phát triển thị trường nội tiêu.
Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt, chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như: Chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Ôlong Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài...
Song song với mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp trồng, chế biến chè Việt cần khai thác triệt để thị trường nội địa. Để hàng Việt Nam chạm đến "trái tim” của người tiêu dùng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.
Thị trường nội địa là “mảnh đất” màu mỡ đối với các doanh nghiệp trà Việt. Lý do là thị trường trong nước có quy mô dân số lớn với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, và tỷ lệ tiêu dùng so với tổng sản phẩm quốc nội cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, với mức trên 70%.
Theo ông Long, nếu các doanh nghiệp Việt biết khai thác và tận dụng tốt dư địa phát triển của thị trường nội địa, họ sẽ có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách ổn định. Việc tập trung vào nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần, đồng thời xây dựng lòng tin và sự trung thành từ khách hàng. Ngoài ra, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cũng như tăng cường quảng bá thương hiệu, sẽ là chìa khóa để tạo ra sự khác biệt và thu hút người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tận dụng được tiềm năng to lớn của thị trường nội địa mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành trà Việt Nam.