Dự án Phát triển giao thông xanh TP. Hồ Chí Minh (BRT số 1) có lộ trình dài 26km, chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, được UBND TP phê duyệt dự án vào tháng 1/2015.
Trên tuyến, TP. Hồ Chí Minh dự tính đầu tư 42 xe; xây trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu cuối, bãi hậu cần, hệ thống quản lý hiện đại... Đây là tuyến đầu tiên trong 6 tuyến BRT được quy hoạch ở TP.Hồ Chí Minh.
Sở GTVT đánh giá, buýt điện không phát thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường, không gây ồn; vận hành an toàn, ít nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, chi phí vận hành, bảo dưỡng tiết kiệm hơn so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vì chúng có ít các bộ phận chuyển động hơn, và do đó ít có khả năng hỏng hóc hơn. Các đội xe cũng sẽ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu sau khi chuyển sang sử dụng điện thay vì dầu diesel.
Xe buýt điện sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng không khí của một thành phố, vì chúng không phát thải. Bất kỳ khí thải nào liên quan đến hoạt động của xe buýt điện đều có nguồn gốc từ nơi dòng điện được sản xuất, và nếu sử dụng năng lượng tái tạo, xe buýt điện sẽ chính thức có lượng phát thải bằng 0.
Do đó, nếu tuyến BRT đầu tiên sử dụng điện sẽ tạo điểm nhấn khởi đầu cho sự phát triển hiện đại hóa và bền vững với hệ thống vận tải công cộng của TP, làm tiền đề phát triển mô hình này trong tương lai.
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, xe điện có chi phí đầu tư cao hơn ôtô sử dụng dầu diesel, CNG, dẫn đến kinh phí trợ giá khi buýt nhanh vận hành cũng nhiều hơn. Việc xây dựng hệ thống trạm sạc, hạ tầng phục vụ cũng phải thực hiện song song với phát triển xe điện. Bên cạnh đó công tác đấu thầu chọn đơn vị cung cấp xe cùng dịch vụ vận tải cũng gặp khó do hiện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chi phí cho buýt điện.
Để thuận tiện khi triển khai, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM giao chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà sản xuất xe buýt điện trong nước nghiên cứu, rà soát các thông số thiết kế xe cho phù hợp với thực tiễn, hạn chế các yêu cầu kỹ thuật quá đặc thù ảnh hưởng đến tính khả thi trong việc sản xuất cung cấp xe.
Theo đó, khẩn trương xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng buýt nhanh để làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.
Hiện TP.HCM đang có 2.043 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 1.547 xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel và 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG. TP.HCM đã chấp thuận thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với dự kiến 77 xe buýt điện hoạt động trên địa bàn thành phố. Dự án đang được Ban Giao thông thực hiện, đảm bảo tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành giữa năm 2023.