Dệt may TNG chuẩn bị phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo

Đây là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp. Thời gian chào bán dự kiến trong quý I - II/2022. Trái phiếu có kỳ hạn 48 tháng, lãi suất 10%/năm. 

Dệt may TNG chuẩn bị phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo - Ảnh 1

Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án hát hành 300 tỷ đồng trái phiếu. 

Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu sẽ được sử dụng để thanh toán tiền lương cho cán bộ công nhân viên và thanh toán tiền nguyên phụ liệu.

Đây là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp. Thời gian chào bán dự kiến trong quý I - II/2022. Trái phiếu có kỳ hạn 48 tháng, lãi suất 10%/năm. 

Trong quý 3/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 1.710 tỷ đồng, nhích nhẹ hon 1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp hơn giúp lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 240 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong quý 3, doanh thu tài chính đạt hơn 24 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước còn chi phí tài chính lại tăng hơn 8 tỷ đồng, lên mức 46 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí lãi vay.

Công tác quản lý chi phí tiếp tục đạt hiệu quả cao, công ty tiết giảm được khoản lớn chi phí bán hàng, từ 45 tỷ đồng trong quý 3/2020 xuống còn 27 tỷ đồng trong quý 3/2021, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 31% lên trên 86 tỷ đồng. Kết quả, quý 3 TNG lãi sau thuế hơn 85 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với lợi nhuận đạt được quý 3/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần ghi nhận mức tăng trưởng tốt 16% lên 4.080 tỷ đồng. Khấu trừ đi các chi phí liên quan, TNG báo lãi sau thuế đạt xấp xỉ 169 tỷ đồng, tăng trường 31% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cải thiện từ 1.744 đồng lên 2.122 đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp có gì hấp dẫn?

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp ưu tiên kênh gọi vốn qua trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tìm đến ngân hàng. Bên cạnh lý do lãi suất trái phiếu ngày càng rẻ và không còn quá đắt so với lãi vay trung, dài hạn của ngân hàng, thì điều khiến doanh nghiệp “khoái” nhất khi huy động vốn bằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là không cần tài sản đảm bảo, không bị giám sát.

“So với phương thức truyền thống là vay ngân hàng, phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia phân tích của Công ty SSI lý giải.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay khá dễ dãi, song dòng tiền được doanh nghiệp huy động về được sử dụng như thế nào thì hoàn toàn “tù mù”.

Theo chuyên gia TS. Đinh Thế Hiển, việc doanh nghiệp chủ yếu phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, bên mua lại đa phần là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng là dấu hiệu đáng lo.

“Ngân hàng Nhà nước cấm cho vay đảo nợ, song thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngân hàng và doanh nghiệp có thể bắt tay nhau đảo nợ, che giấu nợ xấu. Nếu rủi ro này không sớm được nhận diện và khắc phục, sẽ tạo thành sự đổ vỡ dây chuyền”, TS. Đinh Thế Hiển cảnh báo.

Hiện không chỉ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, mà cả Bộ Xây dựng cũng đã bày tỏ lo ngại về thị trường này.

Về lâu dài, để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư cả cá nhân lẫn rủi ro hệ thống, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia kiến nghị thành lập một định chế tài chính mới như quỹ đầu tư hạ tầng hoặc quỹ đầu tư ủy thác bất động sản; giao thêm vai trò cho các định chế tài chính và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tiến tới xem xét thành lập ngân hàng đầu tư (tách bạch với ngân hàng thương mại) để kiểm soát rủi ro; đa dạng hóa sản phẩm như có thêm trái phiếu công trình, trái phiếu tổng hợp; phân nhóm các doanh nghiệp phát hành, phân nhóm các loại trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm; cho phép chứng khoán hóa trái phiếu, chứng khoán hóa tài sản…