Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023: Chuyển đổi số và đẩy mạnh phát triển kinh tế

Kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển; đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí Cách mạng Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.

Ngày 24/2, Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 được tổ chức tại tỉnh Bình Định với mục đích trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay…
Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024, với sự đồng hành xuyên suốt của Vinamilk. Mục tiêu là hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Đến dự và chủ trì Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.

Dự diễn đàn còn có đại diện lãnh đạo Vinamilk, UBND tỉnh Bình Định; đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế báo chí và 130 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.

ông Nguyễn Thanh Lâm Thứ trưởng Bộ TT&TT
ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT

Chuyển đổi số cũng gắn liền với kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức mạnh cạnh tranh của các cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới... Vai trò của công nghệ đối với báo chí như: Thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác.

Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.

Thống kê từ tháng 4 đến tháng 9/2021, theo SimilarWeb, lượng truy cập của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%, trong đó Báo điện tử VnExpress và Báo điện tử Tuổi trẻ giảm 12%, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến và Báo điện tử Dân trí cùng ở mức giảm 11,79%... Thống kê đến tháng 7/2022, sau dịch COVID-19, lượng truy cập vào các báo điện tử đã có xu hướng tăng so với tháng 6/2022, như: Báo Lao động tăng 16,23%, Báo điện tử Thanh niên tăng 11,2%, Báo điện tử VietNamNet tăng 5,81%, Báo điện tử VnExpress tăng 3,22%, Báo điện tử Dân trí tăng 2,34%, Báo điện tử Tuổi trẻ tăng 1,97% và Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến tăng 0,53%. Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo.

Đại diện Cục Báo Chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vẫn cần tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đẩy mạnh phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn. Đồng thời, các cơ quan báo chí hiện nay tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao, thường xuyên đổi mới sản xuất theo xu hướng báo chí số với mục tiêu lấy “bạn đọc là trung tâm”, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích.

Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023: Chuyển đổi số và đẩy mạnh phát triển kinh tế - Ảnh 1

Kinh tế báo chí và tự chủ tài chính với cơ quan báo chí

Ông Phạm Thu Phong Tổng biên tập, Thời báo Tài chính Việt Nam chia sẻ, hoạt động kinh tế báo chí hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do tác động rất lớn bởi đại dịch Covid 19 trong những năm vừa qua cũng như những biến động lớn từ bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới và khu vực. Năm 2023, bối cảnh kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, những tác động từ diễn biến kinh tế thế giới còn phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế báo chí, nguồn thu của các cơ quan báo chí.…

Dưới góc độ của mình, ông Phong đã nêu ra một số nội dung như sau:

Thứ nhất, động lực để biến những áp lực thành cơ hội Theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đến năm 2025, việc tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể đặt ra đối với mỗi cơ quan báo chí. Việc đi tìm lời giải cho vấn đề kinh tế báo chí, thực hiện tự chủ tài chính tác động lớn đến xu hướng phát triển của từng tòa soạn. Đó là cần nâng cao chất lượng thông tin, đổi mới hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu từ trước đến nay được bao cấp.

Trong thời đại công nghệ, các tòa soạn đều phải không ngừng đổi mới cách thức làm báo hiện nay. Chúng tôi xác định rõ 3 chân kiềng để cơ quan vững vàng phát triển, đó là: thứ nhất là Nội dung, thứ hai là Công nghệ và yếu tố thứ 3 rất quan trọng là - Sáng tạo. Chúng tôi cho rằng, chọn lựa và phát triển từ sự khác biệt, từ bản sắc chính là công việc rất quan trọng, cần thiết của mỗi tòa soạn.

Thứ hai, mô hình cho các cơ quan báo chí khi tự chủ về tài chính Đi tìm một mô hình hoạt động cho các cơ quan báo chí khi tự chủ về tài chính là vấn đề cần sớm được quan tâm, tuy nhiên thực tế cho thấy chúng ta còn đang không ít loay hoay. Một ví dụ cụ thể về mô hình của cơ quan báo chí đó là, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng tốt sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi mạnh mẽ các hình thức truyền thông cũ bằng những hình thức truyền thông mới, tạo ấn tượng với công chúng qua tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý về vấn đề bản quyền báo chí Hiện nay, việc sao chép, đánh cắp bản quyền trong lĩnh vực báo chí xuất bản ngày càng nở rộ và tinh vi... Một bài báo hay vừa xuất bản xong đã có rất nhiều tạp chí điện tử, trang tin điện tử lấy lại hoặc xào xáo. Thậm chí có trang mạng xã hội cài phần mềm mặc định khi tin, bài của báo này vừa xuất bản thì sẽ tự động chuyển sang trang đó. Có không ít những tạp chí, trang tin trích dẫn lại rút tít khác rất giật gân nhằm câu view, thậm chí sai bản chất sự việc. Việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đã để lại những hậu quả nghiêm trọng: Cơ quan báo chí bị thất thu lớn về mặt kinh tế; uy tín, thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những đơn vị không trực tiếp sáng tạo nội dung lại được nhận tiền quảng cáo, còn đơn vị trực tiếp sở hữu nội dung sản phẩm lại không nhận được giá trị tương xứng đã bỏ ra.

Thứ tư, chú trọng hoạt động nghiệp vụ nội bộ về công tác tài chính; vận dụng tốt các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành Trong hoạt động kinh tế báo chí, chúng tôi cũng xin chia sẻ thêm là các cơ quan báo chí cần chú trọng đến việc rà soát hoàn thiện các quy chế, quy trình, cách thức hoạt động trong thực hiện nghiệp vụ nội bộ về công tác tài chính. Làm sao để vừa tăng cường khai thác nguồn thu hợp pháp, tăng doanh thu nhưng đồng thời chú trọng đến tiết kiệm chi, vận dụng linh hoạt hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ năm, sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chủ quản báo chí Vai trò cơ quan chủ quản là rất quan trọng. Đối với TBTCVN, cùng với sự nỗ lực chủ động đổi mới vươn lên, các cơ quan báo chí ngành Tài chính luôn nhận được sự chỉ đạo, động viên thường xuyên, kịp thời của Lãnh đạo Bộ, của cơ quan chủ quản. Cụ thể như tăng cường phối hợp để tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ quan báo chí phát triển; tăng cường định hướng thông tin tuyên truyền; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; thực hiện quy hoạch cơ quan báo chí trực thuộc hợp lý… Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, cùng sự nỗ lực đoàn kết, phấn đấu của tập thể, TBTCVN đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo triển khai tích cực hoạt động thông tin - tuyên truyền, giữ vững tôn chỉ mục đích, nghiêm chỉnh thực hiện Luật Báo chí, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính.

Thứ sáu, xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật cho cơ quan báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT về định mức kinh tế, kỹ thuật tối đa cho báo in, báo điện tử. Quá trình thực hiện xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật cho cơ quan báo chí từ thực tế của TBTCVN, chúng tôi thấy có những vướng mắc như sau:

- Do khối lượng tin bài sản xuất trong 3 năm là rất lớn, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê đầy đủ, chính xác về phân loại tin bài, xác định tỉ lệ sử dụng tư liệu… của Tòa soạn.

- Nhiều sản phẩm thực tế như longform, infographic, video, podcast, diễn đàn trực tuyến, talk… chưa được quy định trong Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT hay Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Mặc dù trong nội dung có được hướng dẫn là “nếu nội dung của các tác phẩm báo chí được sử dụng nhiều hình thức báo chí thì chỉ áp dụng một lần định mức cho công tác xây dựng bản thảo; các hình thức khác còn lại chỉ được tính đối với phần công việc thực tế” KỶ YẾU ĐIỆN TỬ “DIỄN ĐÀN KINH TẾ BÁO CHÍ NĂM 2023” 41 và “căn cứ các quy định hiện hành và thực tế của đơn vị để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt”.

- Khó khăn trong xác định các chi phí dùng chung để xác định đơn giá của tin, bài đối với các thể loại, sản phẩm báo chí.

- Vấn đề con người: Trước kia xây dựng dự toán là tính chênh lệch thu - chi, phần thiếu sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù; xây dựng dự toán cho 1 đề án có số lượng tin, bài mang tính thống kê để áp định mức hệ số nhuận bút theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP hay Nghị định số 18/2014/NĐ-CP làm căn cứ bài để tính dự toán.

Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023: Chuyển đổi số và đẩy mạnh phát triển kinh tế - Ảnh 2

Đa dạng nguồn thu

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, dù muốn hay không, vô hình trung, hiện nay, mỗi cơ quan báo chí ở dạng thức nào vẫn đang thực thi nhiệm vụ kép. Đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo cùng với làm kinh tế, thậm chí cả kinh doanh, để tồn tại.

Tuy nhiên, tờ báo không phải tổ chức thành doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng… sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí.

Cần nhìn nhận, không làm kinh tế báo chí, không có nguồn thu thì tờ báo không duy trì hoạt động tòa soạn, trả lương cho người lao động trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của cơ quan chủ quản chỉ đáp ứng được một phần nhỏ hoạt động chi thường xuyên. Chưa nói đến đầu tư phát triển, đào tạo bồi dưỡng, hoạt động nghiệp vụ khác… Rõ ràng, thách thức của đơn vị sự nghiệp tự chủ nếu không làm tốt kinh tế báo chí thì hoạt động tòa soạn "èo uột", cứng nhắc, nghèo nàn, rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vai trò, vị trí, chức năng của tờ báo. Tờ báo không có sức hấp dẫn và yếu thế chạy theo, hạn chế vai trò của tờ báo trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Để tờ báo có thể làm kinh tế một cách bền vững, lâu dài, tránh tình trạng dựa vào tin “hot”, câu view, thậm chí là phá hoại doanh nghiệp để trục lợi … là điều không hề dễ dàng. Do đó, đơn đặt hàng sẽ là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại "hiệu quả kép" vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính phương thức kinh tế báo chí xuyên thấm trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm kết tinh từ truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội, bà Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Theo Phó Trưởng ban điện tử Báo Nhân dân Ngô Việt Anh, với sự phát triển của công nghệ 4G, 5G cũng như smartphone ngày một phổ biến, nhu cầu của người đọc đã chuyển dần từ báo giấy sang phiên bản số, đi kèm với đó là sự dịch chuyển về nguồn thu đối với các cơ quan báo chí, từ in sang điện tử. 

Hiện tại, 3 nguồn thu chính của các cơ quan báo chí trên thế giới gồm: Từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách hoặc thương hiệu; Từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản... Đây cũng là những gợi ý cần thiết cho các cơ quan báo chí Việt Nam học tập và triển khai.

Để khai tác tốt doanh thu từ môi trường số, các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí. Các tòa soạn cũng thay đổi cách tiếp cận truyền thông sáng tạo, tương tác và phân phối tin tức đa nền tảng. Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin. Không chỉ có một fanpage, nhiều cơ quan báo chí có fanpage cho từng chuyên mục, chương trình trên mạng xã hội Facebook. Nhiều tờ báo, đài truyền hình mở hàng chục kênh trên mạng xã hội, YouTube, Tik Tok để đưa thông tin đi xa hơn, rộng hơn, tiếp cận đối tượng độc giả mới và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng.