Tại Diễn đàn kinh tế Thủ đô năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, khả năng chủ động về nguồn nguyên liệu hạn chế. Hiện các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn, lãi suất ngân hàng vay để phục vụ sản xuất còn cao và thủ tục vay phức tạp, tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Sức mua thị trường quốc tế giảm do lạm phát ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế và dự báo khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2023; việc gián đoạn chuỗi cung ứng được dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế - đầu tư - thương mại hậu COVID-19. Giá hàng hóa thiết yếu ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố.
Chia sẻ về những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Harco cho biết: “Chưa bao giờ các doanh nghiệp trong ngành lại khó khăn như hiện nay. Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh”. Trong đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, cá biệt có doanh nghiệp trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu.
Tương tự, thị trường trong nước gặp khó khăn từ quý IV/2022. Sau đó, đến quý I/2023 và sau Tết Nguyên đán thì nhu cầu trong nước bắt đầu suy giảm, dẫn đến lượng đơn hàng tiêu thụ nội địa giảm mạnh. Để chống đỡ với khó khăn này, ông Phạm Hồng Việt cho biết, từ cuối năm ngoái, các doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4-5 ngày và giảm quy mô sản xuất (cắt giảm dây chuyền sản xuất). Tiếp đó, trong dịp Tết, có doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc cả tháng, cắt giảm tiền lương, thưởng Tết.
Theo ông Phạm Hồng Việt, quyết định của Chính phủ giảm hoãn, giãn tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT vừa qua đã thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đề nghị các Bộ, ngành thông tin tình hình thị trường kịp thời; tổ chức xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ lãi suất vay, giãn nợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA chia sẻ, mặc dù chính sách vay vốn ngân hàng đã cởi mở hơn, các ngân hàng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp hơn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa hạ nhiệt. MISA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng giải pháp công nghệ.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh thành phố Hà Nội - cho biết: Ngân hàng sẽ nghiên cứu để có giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự soi lại mình, cần đảm bảo tiêu chí minh bạch để tiếp cận vốn.
Bên cạnh sự đồng hành của cơ quan chức năng, để tăng cường tiêu thụ hàng hóa trên các thị trường trong và ngoài nước, công tác xúc tiến thương mại của doanh nghiệp là rất quan trọng và cần thiết. Các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, của thành phố Hà Nội.
Tiến Hoàng