Diễn đàn: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Sáng ngày 23/12, tại Khách sạn Sapphire, số 17 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Tham dự diễn đàn có TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; GS.TS Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp; ông Nguyễn Đức Hoàn - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang;  TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Masuo Higuchi - Giám đốc Tập đoàn Nagase Việt Nam; Bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam; TS. Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Cacsbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu; TS Vũ Tấn Phương - Giám đốc VP Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Văn Minh - Trường phòng Cục biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Nằm trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”, nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính; đồng thời với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất những ý kiến, góp ý, chia sẻ các định hướng, giải pháp thực tiễn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển thị trường các bon và xây dựng công cụ kiểm soát khí nhà kính; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nhận được hỗ trợ từ các nguồn vốn tài chính xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam và quốc tế, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức Chuyên đề 2: Diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

 

Diễn đàn lần này, sẽ tập trung làm rõ những kết quả đạt được tại Hội nghị COP27 và những mục tiêu, chiến lược của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiềm năng phát triển thị trường các-bon rừng tại Việt Nam, những điểm mới liên quan tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp; Vai trò giảm phát thải khí nhà kính của ngành hàng tiêu dùng hướng tới mục tiêu Netzero; Ứng dụng công nghệ và hệ thống kiểm soát khí nhà kính Zeroboard trên thế giới; Cơ hội vay vốn tài chính xanh, trái phiếu xanh và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; Những mô hình kinh tế tuần hoàn tại tổ chức nhằm thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp với sự tham gia của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, các Cục, Vụ, Viện thuộc cơ quan bộ, ban, ngành; đại diện các Sở TNMT, Sở Công thương khu vực phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang phải gánh chịu. Có thể nhận thấy những tác động mà biến đổi khí hậu đem lại đang khá tiêu cực, ảnh hưởng đến thiên nhiên, thời thiết, đời sống kinh tế và xã hội. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại trong thế kỉ 21.

TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu không thể trì hoãn. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể: như ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôdôn; quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…

Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội chung thực hiện và hành động để đạt mục tiêu Netzero. Với ý nghĩa to lớn đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam với sự hỗ trợ giúp đỡ, tư vấn của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, dưới sự đồng hành của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp với Quy định giảm phát thải khí nhà kính và cơ chế cácbon”.

Chuyên đề 1 tổ chức ngày 14/12 là Hội thảo về trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu Netzero với sự tham dự và chia sẻ các quy định pháp luật liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước, sự kiện đã thu hút được sự quan tâm và phản hồi của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.

Chuyên đề 2 với nội dung “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0” sẽ là nội dung chuyên sâu hơn về phương pháp và cách thức thực hiện kiểm kê khí nhà kính; phân tích những hiệu quả khi chuyển đổi năng lượng sử dụng tại các cơ sở; đồng thời mở ra một tiềm năng phát triển mới đó là thị trường cácbon và cácbon tại rừng, TS Ngọc cho biết thêm.

TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn
TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và từng người dân trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa vào các văn kiện quan trọng của Đảng. Để thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật, nghị quyết liên quan trực tiếp tới ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành Chương VII quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu cụ thể.

Theo TS Nguyễn Đình Thi, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai những quan điểm, chủ trương, định hướng và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của chính bản thân doanh nghiệp và sự phát triển bền vững đất nước. 03 vấn đề then chốt bao gồm thể chế, quản trị, tài chính và công nghệ. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội đối với doanh nghiệp:

Thứ nhất, về thể chế. Chính sách, pháp luật của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến các ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện thể chế cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng với sự tham gia tích cực của các bên liên quan, trong đó có các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân. Hội thảo hôm nay, tôi thấy có bàn về phát triển thị trường các bon, điều này có nêu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhưng cần phải cụ thể hóa để tăng tốc lộ trình phát triển thị trường này, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, xã hội, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn để giải bài toán kinh tế xanh. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm.

Thứ hai, về quản trị, tài chính và công nghệ. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và thay đổi mô hình quản trị thích hợp. Bây giờ chính là thời điểm chúng ta phải cùng nhau tìm giải pháp để tiếp cận và hội tụ nguồn lực, để lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả. Để thực hiện được các mục tiêu NetZero, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050.

Hội Thảo lần này có bàn về vấn đề Tài chính xanh. Đây thực sự là chủ đề rất hay. Tài chính xanh (gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh) trên toàn cầu đã trở thành 2 nguồn tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu (BĐKH) và sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21. Hiện nay, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia (Châu Âu, Trung Quốc, Bangladesh, Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Kazahtan...) và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức sáng kiến khí hậu toàn cầu (CBI), Tổ chức OECD... Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tạo ra hành lang pháp lý để hình thành, phát triển và phát huy vai trò điều tiết của Nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn. Thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số chủ thể phát hành trái phiếu đã phát hành thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như NLTT, điện gió và điện mặt trời.

Thứ ba, về hội nhập quốc tế. Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới cũng đồng thời tạo độ mở lớn, mang đến cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong nước. Làm sao phát huy và tận dụng hiệu quả lợi thế mang lại từ hội nhập và 18 hiệp định hợp tác thương mại đã ký kết. Làm sao nắm bắt và tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc thúc đẩy kinh tế xanh của Việt Nam. Xu thế xanh hóa các nền kinh tế trên thế giới là xu thế tất yếu, do đó, quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp Việt nam cần hết sức lưu ý xu hướng này để tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mình và nền kinh tế đất nước.

Kiểm kê khí nhà kính - Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT cho biết: Kiểm kê khí nhà kính - Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT chia sẻ tham luận tại Diễn đàn
TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT chia sẻ tham luận tại Diễn đàn

Thực hiện hóa các cam kết tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở phát thải tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 07/01/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn.

Các đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK được quy định trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ban hành 18/01/2022.

Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải. Các cơ sở phải kiểm kê KNK có mức phát thải hàng năm ≥ 3.000 tấn CO2 tương đương; Nhà máy nhiệt điện, cơ sỏ sản xuất công nghiệp có tổng tiêu thụ năng lượng ≥ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE); Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm ≥ 1,000 TOE; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm ≥ 1.000 TOE; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm ≥ 65.000 tấn.

Doanh nghiệp/cơ sở phát thải sẽ phải thực hiện theo lộ trình:

Năm 2023, sẽ báo cáo số liệu hoạt động

Năm 2024, kiểm kê khí nhà kính

Năm 2025, báo cáo: Kết quả kiểm kê KNK

Năm 2026, xây dựng, phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026-2030

Năm 2027, báo cáo: Kết quả giảm nhẹ phát thải KNK

TS. Hà Quang Anh nêu rõ 05 nguyên tắc trong kiểm kê khí nhà kính, thứ nhất, tính minh bạch: Tài liệu rõ ràng và chỉ rõ các nguồn dữ liệu, các giả định, các qui trình và các phương pháp luận;

Thứ hai, tính nhất quán: Đảm bảo tính nhất quán trong và giữa các năm kiểm kê với nhau về cách tiếp cận, ranh giới, nguồn dữ liệu, giả định, phương pháp;

Thứ ba, tính có thể so sánh: kết quả KK KNK phải có khả năng so sánh giữa các nước với nhau. Muốn vậy phải thống nhất về phương pháp sử dung theo hướng dẫn chung.

Thứ tư, tính hoàn thiện: Đảm bảo bao gồm tất cả các lĩnh vực của thành phố và nguồn phát thải/hấp thụ từ các lĩnh vực đó, hoặc phải giải thích nếu không có;

Thứ năm, tính chính xác: Đảm bảo tính toàn vẹn của các dữ liệu, các giả định, và tính toán, để có được các kết quả không bị sai lệch cao quá hoặc thấp quá so với mức phát thải thực.

Cấp cơ sở cần xây dựng báo cáo kiểm kê KNK, ngoài ra, cơ sở phát thải cần có quy trình và kế hoạch quản lý kiểm kê KNK trong đó cần chú ý tới:

Chính thức hóa quy trình thu thập dữ liệu và quy trình tài liệu trong Kế hoạch quản lý kiểm kê KNK; Xác định mục tiêu và lộ trình giảm phát thải; Hoàn thiện thẩm định kết quả kiểm kê bởi bên thứ 3; Xây dựng các báo cáo; Công bố báo cáo cùng với mục tiêu giảm phát thải và theo dõi lộ trình giảm phát thải

Nói về quyền lợi và trách nhiệm, khi doanh nghiệp, cơ sở phát thải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, TS.Hà Quang Anh cho rằng, chung tay cùng Chính phủ thực hiện cam kết có trách nhiệm cao của Việt Nam với quốc tế; Là cơ sở để tham gia thị trường các-bon; Là cơ sở để đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp/cơ sở phát thải trong việc giảm phát thải khí nhà kính; Là cơ sở để tiến tới đánh thuế/xác định ưu đãi/dán nhãn sinh thái đối với các doanh nghiệp/cơ sở phát thải; Tuân thủ quy định của Pháp luật; Xây dựng được một CSDL phát thải khí nhà kính đầy đủ, liên tục, minh bạch, chính xác giúp doanh nghiệp quản lý, sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả.

Tại Diễn đàn, TS. Hà Quang Anh cũng đưa ra hướng dẫn để các doanh nghiệp, cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo đúng quy định.

Ông Masuo Higuchi - Giám đốc Tập đoàn Nagase Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn
Ông Masuo Higuchi - Giám đốc Tập đoàn Nagase Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn ông Masuo Higuchi - Giám đốc Tập đoàn Nagase Việt Nam trao đổi về Ứng dụng công nghệ và hệ thống kiểm soát khí nhà kính Zeroboard trên thế giới và việc ứng dụng tại Việt Nam.

Tại hiệp định Paris, tất cả các quốc gia đã cùng dồng thuận về vấn đề nguồn phát thải toàn cầu đạt đỉnh khi các khả năng và cam kết đạt mức giảm mức khí thải carbon vào năm 2050.

Trong đó, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển xanh, hướng tới việc giảm phát thải khí carbon, sản phẩm xanh, sống xanh, hướng tới đưa phát thải ròng xuống thấp vào năm 2050.

Singapore, với các kế hoạch xanh hướng tới giảm phát thải từ carbon vào năm 2050 thông qua việc cân bằng các chính sách về môi trường, phát triển kinh tế và đánh vào thuế carbon

Thái Lan triển khai mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh hướng tới giảm phát thải vào năm 2050 và đưa phát thải ròng bang 0 vào năm 2065

Tuyên bố của Malaysia tại COP 26 năm 2021 hướng tới mục tiêu giảm phát thải xuống thấp sau năm 2050 và đạt mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065

Indonesia đưa ra chính sách hướng tới trở thành quốc gia phát triển kinh tế xanh hướng tới việc giảm phát thải xuống thấp vào năm 2060 hoặc sớm hơn

Ngoài ra, theo ông Masuo Higuchi, dẫn đầu trong giải pháp sử dụng công nghệ cloud, Zeroboard tính soán số liệu phát thải CO2 với độ tin cậy cao, dễ sử dụng và đồng nhất với những tiêu chuẩn, quy chuẩn mới nhất với những giá trị gia tăng giá trị cốt lõi cho khách hàng.

Thương mại Các bon trong lâm nghiệp ở Việt Nam

Tham luận tại Diễn đàn, ông Vũ Tấn Phương Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết: Theo thống kê chính Lâm nghiêp Việt Nam năm 2021 có 14.7 Tr.ha chiếm 42% độ che phủ, 2.2 Tr.ha (15%) rừng đặc dụng, 4.6 Tr.ha (32%) rừng phòng hộ, 7.8 Tr.ha (53%) rừng sản xuất. Trong đó, 60% do Nhà nước quản lý và 40% giao hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, 30.5 Tr. tCO2e –phát thải hằng năm, 2010-2020, 69.8 Tr.tCO2e – hấp thụ hằng năm, 2010-2020, 612 Tr. tấn C lưu giữ trong rừng (2020), 80% tại rừng tự nhiên, 5,800 doanh nghiệp chế biến gỗ, 515 doanh nghiệp FDI.

Ông Vũ Tấn Phương Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) chia sẻ tham luận tại Diễn đàn
Ông Vũ Tấn Phương Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) chia sẻ tham luận tại Diễn đàn

Phân bố trữ lượng các bon rừng thì có 80% rừng tự nhiên, 20% rừng trồng. Về chính sách giảm phát thải (GPT) và chiến lược phát triển Lâm nghiệp (PTLN) chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định giảm phát thải ở tất cả các lĩnh vực và phát triển thị trường các bon trong nước.

Cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng o vào 2050; tham gia Tuyên bố Glasgow và cam kết giảm phát thải khí mê tan. Chiến lược BĐKH (2022), NDC (2022) hướng đến thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và thích ứng BĐKH. Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow đang được xem xét phê duyệt nằm đảo ngược tình trạng mất rừng. Tại Việt Nam, thị trường các bon chia làm hai loại là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Để thực hiện chương trình thương mại các bon trong Lâm nghiệp tại Việt Nam chúng ta cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại các bon trong lâm nghiệp đối với thị trường các bon trong nước và quốc tế, đặc biệt giai đoạn đến 2027 trước khi có thị trường các bon trong nước. Cần xây dựng các tiêu chuẩn các bon cho các biện pháp giảm phát thải KNK và tăng hấp thụ các bon, xây dựng năng lực về xây dựng dự án thương mại các bon và thực hiện MRV.

Tọa đàm thảo luận "Thách thức và cơ hội của các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0''

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm

Trao đổi về cơ hội và thách thức trong kinh doanh tín chỉ các bon rừng tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Thứ nhất, về cơ hội, hiện nay có 60 tỉnh có rừng, tùy thuộc và tiềm năng của từng vùng sẽ có lượng hàng có để đem ra thị trường cung cấp tín chỉ các bon rừng.

Thị trường có nhu cầu rất lớn, xuất phát từ toàn thế giới quan tâm, thực hiện cam kết mạnh mẽ, thương mại hóa trao đổi mua bán tín chỉ các bon rừng là xu thế tất yếu. Các quy định trên thế giới cũng như ở Việt Nam từng bước được định hình.

Theo đó, việc ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng thế giới (WB) về tín chỉ các bon rừng vùng Bắc Trung bộ.
Từ đó đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ. Sau khi Nghị định được ban hành sẽ thực hiện giải ngân và chia sẻ lợi ích cho cá  nhân và chủ rừng có những ''bể'' hấp thụ CO2.

Thứ hai, về thách thức, hiện nay những thể chế, quy định pháp lý tại Việt Nam còn hơi chậm cho thực tiễn, từ quy định cho đến trong quá trình mua bán cũng có những thách thức. Trên thế giới, vấn đề pháp lý và thị trường đang trong giai đoạn đầu tiên, đại đa số các nước đang ở mức sơ khai, thí điểm.

Hiện nay rừng tại Việt Nam, hộ gia đình quản lý khoảng 40 %, Nhà nước quản lý 60%, có thể thấy sự phân tán nhỏ lẻ, việc thực hiện quy hoạch điểm bán cũng là một thách thức.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, trách nhiệm của sản giao dịch tín chỉ carbon thuộc về ai. Theo đó gồm 2 đối tượng là: Sàn giao dịch tín chỉ carbon có 2 mặt hàng từ cơ chế các doanh nghiệp thực hiện dự án giảm carbon do doanh nghiệp tư nhân đảm trách. Mặt hàng thứ 2 là hạn ngạch khí nhà kính, được nhà nước phân bổ cho các danh nghiệp phát thải đến ngưỡng nhất định, nếu quá có thể mua thêm hạn ngạch do nhà nước ban hành.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT chia sẻ tại Tọa đàm
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT chia sẻ tại Tọa đàm

Tín chỉ carbon khi trao đổi giữa người mua và bán phải báo cáo cơ quan nhà nước để tính toán lượng giảm phát thải carbon quốc gia.

Trả lời câu hỏi về những thành quả mà Unilever Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, bà Lê Thị Hồng Nhi, giám đốc truyền thông và đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết rất ngạc nhiên và vui mừng khi biết những nỗ lực về bảo vệ môi trường của Unilever trong thời gian qua đã được nhìn nhận.

“Unilever triển khai chương trình hợp tác công tư nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Đây là chương trình hợp tác mà doanh nghiệp đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hai đối tác Dow Việt Nam và SCG Việt Nam khởi xướng và thúc đẩy trong 3 năm qua nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là rác thải nhựa giá trị thấp và khó tái chế”, bà Nhi cho biết.

Theo bà Nhi, Unilever là một thành viên sáng lập của nhóm Hợp tác công – tư tại Việt Nam, Unilever đã chủ động thúc đẩy mô hình Kinh tế tuần hoàn thông qua đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phân loại rác tại nguồn và thu gom, xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra ngoài thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp còn nỗ lực không ngừng nghỉ để giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh và tăng cường nhựa tái chế trong bao bì sản phẩm; cũng như đảm bảo tất cả bao bì đều có khả năng tái chế.

Đến nay, Unilever Việt Nam đã đóng góp vào thành quả của nhóm Hợp tác công – tư hơn 17.000 tấn rác thải nhựa đã được thu gom, xử lý và tái chế, đạt 77% bao bì có khả năng tái chế, cũng như giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh.

Về công tác truyền thông, Unilever tập trung chính vào môi trường giáo dục và đưa những sáng kiến về tận dụng rác thải nhựa sản xuất như thế nào để thành vật tái chế,...cuối cùng là thúc đẩy các chính sách để mở rộng với nhà sản xuất, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án này.

Chia sẻ tại tọa đàm bà Bùi Việt Hiền - Quản lý Biến đổi khí hậu Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: Cách đây vài năm, khái niệm tài chính xanh còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Đây được xem là giải pháp quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Ngoài ra, tài chính xanh còn được định nghĩa là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa (theo Chowdhury và cộng sự, 2013). Nhìn chung, tài chính xanh liên quan đến việc thu hút các thị trường vốn truyền thống trong việc tạo ra, phân phối các sản phẩm và dịch vụ tài chính mang lại cả lợi nhuận có thể đầu tư và các kết quả tích cực về môi trường.

Nói về giải pháp giảm phát thải các – bon, ông Nguyễn Thành Chung - Quản lý Dự án Đối tác ba bên Chương trình khí hậu và năng lượng WWF-Việt Nam cho biết, ở COP27 tại Ai Cập, các tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ đô cho Việt Nam trong vòng 3-5 năm cho việc thực hiện chuyển đổi xanh và các cam kết về biến đổi khí hậu.

Về WWF, đã thực hiện Chương trình Thành phố xanh quốc tế, hơn 600 thành phố trên thế giới đã tham gia, Việt Nam có 8 thành phố thực hiện, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng động và các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Hay tại, Chương trình giờ trái đất cũng nâng cao nhận thức tất cả mọi người về rủi ro về khí hậu. Hiện nay, WWF Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ đối với nhiều doanh nghiệp về giảm các – bon thấp.

Phát thải ròng bằng 0 mục tiêu không thể trì hoãn. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể: như ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôdôn; quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050... Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội chung thực hiện và hành động để đạt mục tiêu Netzero.

Theo Tạp chí Môi trường và Cuộc sống