Điện lạnh REE tái cấu trúc, dự kiến nhiều thương vụ M&A trong năm 2021

Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu nằm trong danh sách được bình chọn vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2021 của Forbes Việt Nam. Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đang đẩy mạnh quá trình cấu trúc lại doanh nghiệp theo mô hình holdings, dự kiến năm 2021 sẽ là năm thực hiện nhiều thương vụ M&A

Thành lập vào năm 1977, đến nay REE đã trải qua hơn 40 năm hoạt động với nhiều thay đổi trong cơ cấu ngành nghề. Bắt đầu với một doanh nghiệp chuyên về sản xuất thiết bị điện lạnh và cơ khí điện lạnh, đến nay, REE đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành nghề, trong đó mảng bất động sản và đầu tư tài chính trở thành hoạt động cốt lõi.

Lĩnh vực điện lạnh và cơ điện lạnh của REE bao gồm REE M&E (thi công hệ thống công trình điện lạnh cho các tòa nhà, nhà xưởng) và Reetech (thương hiệu điện lạnh dân dụng, chủ yếu là dòng máy lạnh Reetech). Đến nay, doanh thu từ mảng điện lạnh và cơ điện lạnh vẫn chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của REE.

Tạp chí Forbes Việt Nam mới đây đã công bố Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất 2021 ("Top 50") lần thứ 9. Theo đó, Cơ điện lạnh REE nằm trong top thứ 12 của bảng xếp hạng  tiếp tục. Điều này cho thấy "phong độ" ổn định của REE khi mà do dịch Covid-19 gây ra xáo trộn trong hoạt động kinh doanh của các ngành nghề.

Nếu như việc tách bạch từng lĩnh vực giúp REE huy động vốn tốt hơn, đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tham vọng mở rộng kinh doanh trong tương lai.
Nếu như việc tách bạch từng lĩnh vực giúp REE huy động vốn tốt hơn, đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tham vọng mở rộng kinh doanh trong tương lai.

Cơ Điện Lạnh (REE) tái cấu trúc

Được biết, vào hồi đầu tháng 9/2020, REE đã thông qua quyết định sắp xếp lại tổ chức. Theo đó, Công ty thành lập các công ty TNHH, mỗi công ty quản lý từng lĩnh vực hoạt động chuyên biệt. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng, REE thành lập Công ty TNHH Năng lượng R.E.E, với vốn điều lệ 6.380 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực nước sạch, chuyển hình thức từ Công ty cổ phần Nước sạch REE sang Công ty TNHH Nước sạch REE, với vốn điều lệ là 1.630 tỷ đồng. Với lĩnh vực bất động sản, REE chuyển hình thức Công ty cổ phần Bất động sản R.E.E sang Công ty TNHH Bất động sản REE với vốn điều lệ 912,1 tỷ đồng.

Trong đó, chuyển nhượng 14 công ty trong lĩnh vực năng lượng với giá trị sổ sách 6.201,3 tỷ đồng vào Công ty TNHH Năng lượng R.E.E; chuyển nhượng 8 công ty trong lĩnh vực cấp nước với giá trị sổ sách 1.610,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Nước sạch REE và chuyển nhượng 2 công ty trong lĩnh vực bất động sản với giá trị sổ sách 262,1 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bất động sản REE.

Ngày 13/11/2020, REE hoàn thành chuyển đổi 12 công ty năng lượng sang cho Năng lượng R.E.E (thiếu Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Phát triển điện Nông thôn Trà Vinh (DTV). Tới ngày 25/12/2020, REE đã chuyển nhượng toàn bộ PPC cho Năng lượng R.E.E.

Tính tới 5/1/2021, REE đã chuyển nhượng được 5 công ty trong lĩnh vực nước sang Công ty TNHH Nước sạch REE và 1 công ty bất động sản sang Bất động sản REE. Như vậy, về cơ bản, quá trình tái cơ cấu đã hoàn thành trong quý IV/2020, việc chuyển nhượng một số công ty còn lại sẽ thực hiện tiếp trong quý I/2021.

Theo giải thích của doanh nghiệp, việc cấu trúc lại hoạt động theo mô hình holdings sẽ giúp nhà đầu tư, cổ đông đánh giá REE đúng với giá trị thực hơn. Mô hình hiện tại không phản ánh đầy đủ kết quả kinh doanh, tiềm năng sinh lời của từng mảng trên báo cáo tài chính. Điều này dẫn tới hạn chế khả năng huy động vốn của Công ty.

Được biết, khi doanh nghiệp huy động vốn cổ phần, trái phiếu, đi vay… từ quỹ đầu tư, ngân hàng để phục vụ hoạt động mở rộng kinh doanh, rủi ro lớn nhất đối với các tổ chức bên ngoài là khó kiểm soát được việc sử dụng vốn đúng mục đích đối với doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Nếu như việc tách bạch từng lĩnh vực này giúp REE huy động vốn tốt hơn trong tương lai, đây là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tham vọng mở rộng kinh doanh trong tương lai.

REE làm ăn ra sao?

Trong năm 2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu toàn công ty đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước đó nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 93,9% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.628 tỷ đồng, giảm nhẹ 10 tỷ đồng so với cùng kỳ và xem như hoàn thành kế hoạch được giao.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, mảng cơ điện lạnh đạt 3.474 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ và đóng góp 62% vào tổng doanh thu. Lợi nhuận từ mảng này mang lại gần 226 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và chỉ đóng góp khoảng 14% vào tổng lợi nhuận sau thuế của công ty.

Mảng bất động sản mang về 948 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 17% về doanh thu, nhưng mảng này mang về đến 514,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm 31,6% tổng lợi nhuận sau thuế đạt được. Trong đó, phần lớn lợi nhuận của mảng bất động sản đến từ cho thuê văn phòng, đạt 478 tỷ đồng – đây cũng là lĩnh vực mang về phần lớn doanh thu cho mảng bất động sản. Trái ngược với bức tranh màu sáng của mảng văn phòng cho thuê, mảng phát triển bất động sản của các công ty thành viên của REE không mấy khả quan.

Năm 2020, lợi nhuận sau thuế từ mảng này chỉ đạt 36,9 tỷ đồng, đạt 34,1% so với kế hoạch đề ra. Theo lý giải của công ty, các công ty thành viên, liên doanh liên kết mảng bất động sản gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng… dẫn đến không có dự án nào được cấp phép triển khai xây dựng ra sản phẩm nên doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch đặt ra.

Đối với mảng điện và nước là nhóm ngành mang lại khoản lợi nhuận sau thuế lớn nhất cho REE với 929,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 57% về lợi nhuận, trong đó riêng kinh doanh điện mang về hơn 670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nhóm ngành điện và nước đóng góp 1.178 tỷ đồng vào tổng doanh thu, chiếm 21% tổng doanh thu và đạt mức tăng trưởng trên 49% so với năm 2019.

Mặc dù, với kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng nếu xét về biến động tài sản thì các khoản phải thu của doanh nghiệp tăng mạnh. Cụ thể, số liệu các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm đầu năm chỉ là 2.138 tỷ đồng, nhưng đã tăng lên tới 3.082 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 44%).

Trong cơ cấu cụ thể, khoản mục chủ yếu làm tăng các khoản phải thu ngắn hạn đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, với mức tăng từ 906,4 tỷ đồng (đầu năm) lên 1.340 tỷ đồng (cuối năm).

Cùng với sự tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn, rủi ro thu hồi nợ cũng tăng theo khá rõ, với các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng từ 60,2 tỷ đồng vào đầu năm lên 94,9 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 57,6%).

Bên cạnh đó, công ty này có “đàn con” khá đông đúc, với 16 công ty con, 19 công ty liên kết; chưa kể các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác và các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh. Chính sự bấp bênh trong các khoản đầu tư vào các công ty con, liên kết và hoạt động kinh doanh của chính các công ty này đã làm sụt giảm lợi nhuận của REE thời gian qua.

Không chia cổ tức và kế hoạch tương lai

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020 và kế hoạch cổ tức năm 2021, lợi nhuận sau thuế còn lại sau phân phối năm 2020 là 1.628,6 tỷ đồng, bên cạnh đó, với mục đích nhằm tái đầu tư, HĐQT REE trình cổ đông không chia cổ tức năm 2020 và năm 2021

Trong năm 2021, REE đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.933,7 tỷ đồng, lợi nhuận 1.769 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,7% so với thực hiện 2020. Trong đó, mảng M&E (cơ điện lạnh) doanh thu 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 275,2 tỷ đồng; mảng bất động sản 1.014,6 tỷ đồng (không bao gồm tiền điện thu của khách thuê), lợi nhuận sau thuế 626,7 tỷ đồng; mảng điện doanh thu 1.610 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 646 tỷ đồng, còn mảng nước lợi nhuận sau thuế 265,6 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE chia sẻ tại buổi họp ĐHĐCĐ Thường niên năm 2021: "Trong năm này là năm mà chúng tôi nhìn thấy cơ hội M&A, nhất là bất động sản. Theo đó, REE mạnh dạn đề xuất cổ đông tạm thời chưa nhận cổ tức, để lại tái đầu tư. Vốn liếng cổ đông vẫn còn nguyên, nhưng sẽ được phát triển thêm. Mong cổ đông ủng hộ với sự vui vẻ, đồng lòng cùng với REE"

Bà Mai Thanh cho biết thêm, riêng dự án Thương Kontum, REE đã đầu tư vào đó 3.000 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng để mua 51% vốn cổ phần. Dự án này có lúc vào tình trạng không thể vay vốn, lãi suất cao 9,5%/năm nên các cổ đông lớn như REE cần đứng ra hỗ trợ vốn cho dự án thanh toán cho nhà thầu. Nhà máy mới đã chạy thử thách 72h và sẽ phát điện chính thức, 2 nhà máy cũ cũng đang phát liên tục khi nước đang rất nhiều.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu REE năm 2020 tăng gấp đôi, nhưng bà Mai Thanh cho biết, ban lãnh đạo Công ty không nhìn nhiều vào thị trường chứng khoán, biến động tăng/giảm giá cổ phiếu không đồng nghĩa công ty đang lên hay xuống. Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư thì cần đánh giá đúng giá trị công ty và giá hiện nay, theo bà Mai Thanh, đã đánh giá tương đối đúng, còn trước đây là thấp.

Lan Anh