Khuyến cáo khi người dân mở rộng diện tích sầu riêng
Sau khi ký nghị định thư vào tháng 9 với Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng hơn 130% so với năm 2021, đạt hơn 420 triệu USD. Dự báo năm 2023, xuất khẩu sầu riêng có thể chạm mốc 1 tỉ USD.
Nhưng chỉ hơn hai tháng sau, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị về phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo, trong đó cảnh báo việc phá lúa, hồ tiêu, cà phê... sang trồng hai loại cây trên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là cung vượt cầu.
Gần ba tháng sau, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) lại nhắc các sở NN&PTNT các tỉnh phía Nam chỉ đạo về phát triển sầu riêng. Trong đó tiếp tục cảnh báo cây sầu riêng đang phát triển nóng tại ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, kể cả trên đất và vùng sinh thái không phù hợp, trồng hồ tiêu xen sầu riêng; bỏ lúa trồng sầu riêng... Thậm chí sầu riêng còn được trồng trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới.
Theo các chuyên gia, nếu nông dân các địa phương cứ mở rộng diện tích sầu riêng, việc cung vượt cầu không còn là nguy cơ mà chắc chắn sẽ xảy ra, lại tái hiện cảnh chặt sầu riêng để trồng cây khác như từng diễn ra với mít Thái, thanh long, cam sành, hồ tiêu...
Diện tích sầu riêng tăng từng ngày
Theo số liệu thống kê cho biết diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 17.163 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng tình trạng phát triển “nóng” về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng... có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, diện tích trồng cây sầu riêng của huyện đã tăng vọt lên hơn 2.500ha, vượt quy hoạch gần 500ha và còn tiếp tục tăng lên vì nhiều nhà vườn đã trồng xen vào vườn cây ăn trái.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Tiền Giang và Đồng Tháp. Theo đó, diện tích trồng mới sầu riêng tăng lên từng ngày và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nông dân vẫn "đua nhau" chuyển từ đất lúa và các loại cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng. Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh hơn 17.653ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, diện tích sầu riêng tại địa phương vào khoảng 15.100ha, chiếm 17,6% diện tích cả nước, đứng thứ 2 cả nước về diện tích sầu riêng (sau Tiền Giang) và đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính sản lượng thu hoạch năm 2022 khoảng 170.000 tấn và đến năm 2025 là hơn 300.000 tấn. Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết cơ quan này đã khuyến cáo nông dân không chạy đua mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm này, tránh nguy cơ cung vượt cầu, giá giảm. Mặt khác, Đắk Lắk chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây, trong đó có sầu riêng, việc tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Cũng theo ông Dương, ngoài việc hỗ trợ nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng, ngành nông nghiệp cũng xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.
Tuy nhiên, cái khó cho cơ quan chức năng là chỉ khuyến cáo chứ không thể buộc nông dân trồng hay không trồng cây gì, ở đâu.
Không thể cấm nông dân trồng cây gì
Dù cũng đã nhận được khuyến cáo về nguy cơ nguồn cung sầu riêng sẽ lớn hơn nhu cầu do nhiều người mở rộng diện tích, giá sẽ lại giảm. Tuy nhiên những khuyến cáo, cảnh báo chưa đủ để thuyết phục người nông dân, vẫn “mạnh ai nấy làm”, vẫn “đất tôi tôi trồng”, “lời ăn lỗ chịu”, vẫn trồng và tiêu thụ chẳng hợp đồng, không bao tiêu...
"Tôi có nghe báo đài khuyến cáo nhưng vườn nhà mình, mình trồng. Hơn nữa sầu riêng đã xuất chính ngạch, chắc chắn cây trái rất có giá trị. Nếu giá xuất khẩu giảm cũng còn tốt so với giá trong nước, chưa kể đây cũng là mặt hàng trái cây được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên tôi cũng không lo lắng mấy", ông Bốn (Đắk Lắk) nói.
Không chỉ riêng gia đình ông Bốn mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn cả nước cũng đang đốn bỏ cây mít, phá đất lúa để trồng sầu riêng. Một thực tế rất đáng lo là có những khu vực người dân trồng sầu riêng có thổ nhưỡng không phù hợp, không hiệu quả với loại cây này. Có những vùng tuy không bị nước mặn đe dọa nhưng lại có nguy cơ bị lũ ảnh hưởng. Hoặc có những vùng buộc phải đóng cống để ngăn mặn, khi đó phèn từ dưới đất sẽ xì lên ảnh hưởng đến cây trồng nhưng bà con vẫn đua nhau trồng sầu riêng. Do vậy, để hạn chế việc bà con nông dân ồ ạt trồng sầu riêng, chính quyền cơ sở ấp, xã phải xuống địa bàn sát dân hơn cảnh báo khuyến cáo nông dân.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc - nhìn nhận, việc trồng bền vững sầu riêng do thị trường quyết định, việc cảnh báo cũng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Còn việc chuyển đất lúa sang cây trồng, cây lúa sang cây ăn trái, phá vỡ quy hoạch cây trồng là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương
"Dù có văn bản chỉ đạo, khuyến cáo, có chủ trương là sở NN&PTNT các tỉnh khuyến cáo rất kịp thời. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ đất của nông dân, nông dân tự quyết định, tự trồng. Nhà nước, chính quyền chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo những rủi ro nếu trồng sầu riêng ồ ạt. Còn cảnh báo cũng không phải là luật, rằng tôi cấm không cho anh trồng sầu riêng. Trong khi ý thức của bà con là được ăn, lỗ tự chịu", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, nhất thiết phải kiểm soát chặt chẽ diện tích vùng trồng, nhưng thay vì cảnh báo những hệ quả khi tăng diện tích, nên có hiệp hội, tổ chức để chú trọng giữ vững thương hiệu, tuân thủ chặt chẽ quy định về chất lượng, độ an toàn của phía nhà nhập khẩu.