Theo đó, thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm; cấm mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan.
Mặt khác, tăng cường giám sát quản lý và loại trừ rủi ro dịch bệnh đối với các mặt hàng trọng điểm (tươi sống và động lạnh) như thủy sản và chế phẩm từ thủy sản, các loại thịt gia súc gia cầm như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu. Nghiêm cấm giao dịch, mua bán các loại động vật hoang dã; tăng cường tổ chức lấy mẫu kiểm tra đối với các loại thực phẩm trọng điểm.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Chính quyền thành phố Đông Hưng (có chung đường biên giới với Móng Cái, Quảng Ninh) gần đây cũng tăng cường tổng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với thủy sản, các loại thịt tại các chợ nông sản, siêu thị, khách sạn trên địa bàn.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương một lần nữa khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng nhập khẩu.
Cùng với đó, tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin về thị trường để chủ động việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, hai năm vừa qua, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đều đạt trên ngưỡng 100 tỷ USD. Riêng 5 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biễn phức tạp, hai nước đã kịp thời trao đổi nhiều biện pháp duy trì thông thương cũng như thực hiện các sáng kiến thúc đẩy giao lưu doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến, đưa tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 44,35 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 15,975 tỷ USD, tăng 17,4% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 28,375 tỷ USD, giảm hơn 5%.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trong 5 tháng đầu năm nay nhưng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản lại giảm: thủy sản đạt 373,19 triệu USD, giảm 2,3%; rau quả đạt 906,15 triệu USD, giảm 29,1%; hạt điều đạt 117,9 triệu USD, giảm 30,9%; cao su đạt 307,37 triệu USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, nhằm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình giao thương trực tuyến với thị trường Trung Quốc: Hội nghị giao thương trực tuyến hàng nông sản, thực phẩm với tỉnh Quảng Tây; Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm với tỉnh Vân Nam; Hội nghị giao thương trực tuyến vật liệu xây dựng và đồ nội thất với Quảng Tây; Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm với tỉnh Sơn Đông; Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản và thực phẩm với doanh nghiệp thành phố Trùng Khánh.
Tại các chương trình giao thương trực tuyến, nhiều doanh nghiệp Việt đã kết nối, hợp tác và ký kết hợp đồng với nhà nhập khẩu Trung Quốc. Đây là những tín hiệu tích cực giúp cho các doanh nghiệp có động lực sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thanh Hằng
Theo Báo Chính phủ