Doanh nghiệp sản xuất, chế biến Nông - Lâm - Thủy sản phục hồi, thích ứng trong tình hình mới

Để thích ứng, duy trì và phát triển sản xuất trong tình hình mới, các doanh nghiệp Nông - Lâm - Thủy sản đã có những thay đổi trong sản xuất, kinh doanh phù hợp, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng.

Đối với ngành Nông sản, tại tỉnh Kon Tum, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh giảm sút nhiều so với các năm trước.

Đặc biệt, mặt hàng chủ lực là cà phê, việc tiêu thụ cà phê nhân đã giảm 40%, trong khi sản lượng bán ra đối với cà phê bột cũng giảm 60%, khiến một số đơn vị, doanh nghiệp xuất hiện tình trạng tồn đọng nông sản. Trong bối cảnh chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đang lên phương án hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhất là cà phê.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum lên phương án hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhất là cà phê.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum lên phương án hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhất là cà phê.

Đến giữa tháng 10/2021, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện tình trạng tồn đọng nông sản như: Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng còn tồn khoảng 15 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung tồn khoảng 2 tấn sản phẩm cà phê hòa tan, 1 tấn tinh chất cà phê; Công ty TNHH Tá Tiến còn khoảng 500 tấn cá nước ngọt nuôi lồng bè chưa có đầu mối tiêu thụ…; một số hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể còn tồn khoảng 30 tấn măng khô, măng muối…

Theo bà Phạm Thị Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, số cà phê còn tồn đọng của đơn vị chủ yếu là mặt hàng phục vụ cho khách du lịch khi đến tham quan, mua về để làm quà biếu, tặng. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, lượng khách du lịch sụt giảm, thậm chí là không có khách nên cà phê còn tồn đọng nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã tích cực tìm kiếm các đơn vị tiêu thụ. Đến cuối tháng 10, số lượng cà phê còn tồn đọng trong kho cũng không còn nhiều.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, qua thống kê, đến nay lượng cà phê nhân của các đơn vị cơ bản đã được tiêu thụ hết. Dù vậy, lượng cà phê bột, cà phê chất lượng cao vẫn còn khá nhiều, đơn cử như 10 tấn cà phê nhân chất lượng cao của Hợp tác xã công bằng Pô Kô hay 1 tấn tinh chất cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) vẫn còn tồn đọng, chưa tìm được đầu ra.

Bên cạnh việc hỗ trợ kết nối, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký thông tin các sản phẩm cần bán lên trang thông tin của Tổ công tác 970. Đến nay, đã có 9 đơn vị với 29 sản phẩm được đưa lên trang thông tin, giúp việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, thuận tiện hơn. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH MM Mega Market về kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.

Đối với ngành Lâm sản, đợt bùng phát dịch thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.

Tại Hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Theo báo cáo, trong thời điểm giãn cách, số lượng công nhân hạn chế, năng suất làm việc giảm đáng kể, công suất sản xuất chỉ bằng 20 - 25% so với trước khi giãn cách. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cả trong nước và quốc tế đều tăng cao là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gỗ đang nỗ lực để quay trở lại sản xuất an toàn.
Doanh nghiệp gỗ đang nỗ lực để quay trở lại sản xuất an toàn.

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 - chiếm 79,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất là Malaysia, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội cho biết, đến thời điểm hiện nay, khoảng 90% số công nhân tại các doanh nghiệp gỗ đã được tiêm vắc xin, 10% còn lại chủ yếu tập trung tại các vùng ngoài dịch, lượng vắc-xin chưa được phân bổ đến hoặc do công nhân về quê tránh dịch chưa quay lại làm việc. Cùng với việc dịch bệnh đã dần được kiểm soát nên nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương cho doanh nghiệp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó có mục tiêu “đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội...

Còn đối với ngành Thuỷ sản, dịch Covid - 19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến ngành chế biến thuỷ sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, điển hình là tỉnh Cà Mau. Theo đó, nhiều công ty, xí nghiệp chế biến mặt hàng tôm đông lạnh trên địa bàn đã tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu hụt nguyên liệu và lực lượng lao động, bởi tâm lý công nhân còn lo sợ dịch Covid-19 lây lan nên chưa vào nhà máy nhiều, làm ảnh hưởng đến quy trình sản xuất.

Theo ông Huỳnh Hải Triều, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thuỷ sản xuất khẩu Minh Hải (Minh Hải Jostoco): “Trước đây, cơ sở chúng tôi có gần 500 công nhân hoạt động thường xuyên tại xí nghiệp, xưởng sơ chế. Do tình hình dịch bệnh phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên cơ sở tạm dừng hoạt động. Nay trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều đơn đặt hàng của đối tác trong và ngoài nước đã được ký kết nên chúng tôi phải mở cửa sản xuất, tuy nhiên, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã làm cho lượng công nhân giảm rất nhiều so với trước”.

Khâu nguyên liệu đầu vào được hầu hết các công ty chế biến từ phân xưởng nhỏ lẻ của công ty hoặc đối tác, để hạn chế rủi ro dịch bệnh. (Nguồn ảnh: Cà Mau Online)
Khâu nguyên liệu đầu vào được hầu hết các công ty chế biến từ phân xưởng nhỏ lẻ của công ty hoặc đối tác, để hạn chế rủi ro dịch bệnh. (Nguồn ảnh: Cà Mau Online)

Thích ứng trong tình hình mới, hầu hết các công ty, xí nghiệp chế biến thuỷ sản ở Cà Mau khi mở cửa hoạt động trở lại đã có giải pháp thay đổi phương thức sản xuất cũng như trong việc phân phối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Ðể đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, các công ty chế biến thuỷ sản đã tổ chức hoạt động theo quy trình khép kín tất cả các khâu một cách nghiêm ngặt như: mọi công nhân trước khi vào nhà máy phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và test nhanh Covid-19 định kỳ; tổ chức sản xuất theo từng khu vực, đồng thời phát huy tối đa dây chuyền công nghệ sản xuất để giảm bớt số lượng công nhân; từ sản xuất tập trung chuyển sang sản xuất theo từng cụm, từng ca với số lượng hạn chế và hầu hết các khâu sơ chế ban đầu đều được chế biến ngay tại các phân xưởng nhỏ lẻ.

Vũ Nghi