Doanh thu Sao Ta đạt 43,2 triệu USD trong quý 1/2023

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 3 với 14,6 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng), giảm 21% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 3 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của Sao Ta đạt 43,2 triệu USD (khoảng 1.020 tỷ đồng), giảm 26% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 3 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của Sao Ta đạt 43,2 triệu USD (khoảng 1.020 tỷ đồng), giảm 26% so với cùng kỳ.

Theo đó, trong tháng 3, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.147 tấn giảm 41%, tiêu thụ tôm thành phẩm khoảng 1.193 tấn giảm 20% so với cùng kỳ. Về nông sản, sản xuất thành phẩm của công ty là 236 tấn giảm 13%, tiêu thụ nông sản thành phẩm là 138 tấn giảm 9% so với cùng kỳ.

Sao Ta cho biết, trong tháng 3, khu nuôi 320 hecta đã thả nuôi hoàn tất, khu mới hơn 200 hecta đang tiến trình làm ao. Dự kiến trong tháng 5 có thể thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ và bắt đầu thả nuôi khu mới.

Sao Ta dự báo, 2023 là một năm khó khăn của công ty trước tác động của lạm phát và sự tăng trưởng tôm ở các nước đối thủ. Do đó, công ty sẽ tập trung vào việc cải thiện giá thành sản phẩm và phát huy những thế mạnh.

Cụ thể, Sao Ta sẽ thi công vùng nuôi tôm mới 203 hecta, dự kiến hoàn thiện vào quý II/2023. Sau đó, thả nuôi ở toàn bộ 240 ao làm xong, nâng tổng số ao nuôi lên hơn 600 ao. Cùng với đó, công ty sẽ tìm hiểu thuê thêm đất bên ngoài và sang nhượng đất từ các hộ dân chung quanh vùng nuôi.

Đối với sức ép từ tôm giá rẻ Ecuador (quốc gia có lợi thế gần Mỹ, có chi phí vận chuyển thấp), Sao Ta cho biết vẫn duy trì sản phẩm ở Mỹ và tập trung phát huy thế mạnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và từng bước mở rộng thị trường EU.

Ngoài ra, trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Sao Ta còn có tờ trình về phương án chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng).

Với hơn 65 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 130 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian dự kiến thực hiện là ngay sau khi Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên được thông qua.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu  Thuỷ sản (VASEP) cho thấy, trong quý 1/2023 xuất khẩu thuỷ sản trong quý I/2023 khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40% so với quý I/2022.

Theo các doanh nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, diễn đàn kết nối giao thương với một số thị trường.

Các doanh nghiệp thủy sản mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình giao thương với các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm để tìm kiếm khách hàng mới, cải thiện xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp rất trông chờ các cơ quan quản lý tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Tiến Hoàng