Nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La, địa hình Tà Xùa trùng trùng núi cao kề bên những vực sâu hun hút. Đỉnh cao nhất lên tới 2.865m, xếp thứ 10 trong số những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Người dân Bắc Yên gọi Tà Xùa là cổng trời, nơi trời đất giao hòa, quanh năm mây trắng bao phủ. Nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng những gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Theo người dân địa phương, không biết cây chè đã có từ bao giờ, nhưng tuổi của chúng cũng không thể tính theo năm mà được tính theo đời người.
Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc H’Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay, nghề sao chè cũng ra đời từ đó. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình sản xuất chè giờ đây đã đơn giản hơn trước rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Tuy nhiên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông vẫn gìn giữ cách sao chè truyền thống bằng tay, vừa bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc, vừa có thu nhập ổn định cho gia đình. Người dân nơi đây sử dụng chính đôi bàn tay của mình để đảo liên tục những búp chè tươi trên chảo lửa đang bốc khói khói nghi ngút suốt hơn 2 giờ đồng cho đến khi từng cọng chè khô, giòn và có thể bẻ gãy được.
Mỗi gia đình H’Mông trên đỉnh Tà Xùa làm chè đều có bí quyết riêng của mình và được truyền từ đời nay sang đời khác. Việc thu hái và sản xuất chè Shan tuyết bằng phương pháp dùng tay trên chảo gang tại đây hiện vẫn còn lưu giữ, mang lại những phẩm trà giá trị cao. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, chè Shan tuyết chỉ thu hoạch được khoảng 3 lần trong một năm. Thời điểm thích hợp nhất để hái chè là buổi sáng sớm; đến buổi trưa và chiều tối là thời gian sao chè. Vì phải sao chè bằng chảo gang trên bếp củi, nên lá chè tươi sẽ được đưa vào mỗi mẹt nhỏ, khối lượng từng mẹt tối đa là 2kg. Đặc biệt, người H’Mông sẽ sao chè ngay sau khi thu hoạch, họ cho rằng làm như vậy sẽ cho ra hương vị trà chất lượng tốt.
Chè sau khi thu hái, công đoạn đầu tiên là làm héo, sau đó cho vò chè để lên hương. Sau khi vò xong cho chè vào chảo làm khô đến khi bẻ cọng chè thấy giòn là được. Giai đoạn này sẽ bớt nóng tay hơn, bởi cần giảm lửa từ từ và chè khô cũng ít bắt nhiệt hơn, nhưng phải đảo luôn tay nhẹ nhàng, tránh làm chè nát vụn.
Từ cách làm thủ công truyền thống, những búp chè Shan tuyết sẽ được đảo liên tục bằng đôi bàn tay trần, trên chảo lửa đang bốc khói nghi ngút. Với người H’Mông, muốn có chè ngon thì phải luôn giữ nhiệt độ của chảo gang ổn định. Khi nhóm bếp củi làm nóng chảo, khâu kiểm tra nhiệt độ bằng tay rất quan trọng; cần cảm nhận tới độ nóng nhất định thì mới được đổ lá chè tươi vào. Cùng với đó là thử thách của sự kiên nhẫn.
Các khâu sao chè đều quan trọng, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người thì khâu làm héo quan trọng nhất. Mỗi mẻ chè chỉ khoảng 2 kg thì mới đảo đều được và thời gian sao làm khô càng lâu chè càng ngon, thường là tổng thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi mẻ.
Chè được sao bằng tay thường ăn đứt chè sao bằng máy ở hương thơm, màu chè sáng hơn, tất nhiên là giá bán cũng cao hơn nhiều, có thể pha tới nước thứ 4-5 mà màu và hương vị như nước đầu; thơm ngát như thêm chút mật, thoang thoảng khói củi rừng, lúc đầu uống vị chát khoang miệng sau đó vị ngọt lan tỏa, khó có thể lẫn với các loại chè khác. Nhiều người thắc mắc, vì sao phải dùng tay để sao chè. Người bản địa giải thích rằng: Người sao chè phải sao bằng tay mới biết cữ nóng của chè, sao và phải vò chè bằng tay thật khéo sao cho các búp chè xoăn lại, phủ lớp phấn trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây núi gió ngàn .
Chè Shan tuyết thuộc nhóm cây di sản Việt Nam, là loại chè đặc sản có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ 1 lớp lông tơ mịn, trắng nên người dân gọi là chè tuyết. Thức uống từ loại chè này có mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu như màu mật ong, làm nức lòng các du khách gần xa dù chỉ được một lần thưởng thức.
Từ lâu, sản phẩm chè búp khô Tà Xùa đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh, với giá bán bình quân 800.000 đồng/kg, nhờ đó, đời sống của người trồng chè ở Tà Xùa được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, cây chè không chỉ là cây có giá trị kinh tế cao, còn đang mang lại lợi ích kép trong việc giúp địa phương phát triển du lịch trải nghiệm. Du khách đến Tà Xùa đều ngỡ ngàng, thích thú khám phá những cây chè cổ thụ, trải nghiệm quy trình sản xuất sao chè theo phương pháp truyền thống bằng tay của đồng bào dân tộc Mông; chọn mua sản phẩm đặc sản chè Tà Xùa về thưởng thức và làm quà cho người thân.
Theo thông kê, đến năm 2023, xã Tà Xùa có gần 200 ha cây chè, trong đó, khoảng 1.600 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Chè cổ thụ được xã giao đến từng hộ gia đình và hướng dẫn chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc, tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.