Hàng năm vào dịp rằm tháng 2 (Âm lịch), du khách sẽ được hòa mình trong Lễ hội Cầu mưa - một hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người Thái trắng ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Lễ hội cầu mưa thể hiện mối quan hệ, gắn kết trong cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ bản mường; tham gia các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng truyền thống; các hoạt động trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái trắng… Qua Lễ hội, để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bà con địa phương làm ăn phát đạt, đời sống ấm no.
Được biết Lễ hội Cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm đối với người Thái trắng nói riêng và các dân tộc anh em xã Mường Sang nói chung. Vì vậy, trước ngày tổ chức lễ hội 1 tháng, mọi người đã chuẩn bị chu đáo đồ cúng lễ là những sản vật gắn với đời sống thường ngày như: cơm lam, cá xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà, măng đắng... Đặc biệt, không thể thiếu là cây vạn vật được trang trí bằng các con chim, con ve đan bằng nan; bên cạnh là những lồng nan đựng trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai, các loại hoa quả và sản vật địa phương… Bà con quan niệm đây là cách để thể hiện tấm lòng thành kính của dân bản với trời đất, thần linh.
Ông Lường Văn Sinh, Trưởng bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu cho biết: Trước đây, Lễ hội được tổ chức nhỏ với quy mô của bản và được duy trì qua bao năm nay. Nhận thấy Lễ hội là một hoạt động đẹp, góp phần giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc từ đó Lễ hội dần phát triển và mở rộng.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần Lễ, có 3 nghi thức cúng; cúng thần đất; cúng thần nước và cúng xin mưa. Phần hội gồm: Các điệu múa xin nước, mừng nước, xòe vòng và các trò chơi dân gian truyền thống. Trong ngày cúng lễ, sau khi thực hiện xong các nghi thức xin thần đất để tổ chức nghi lễ tại một địa điểm đã được lựa chọn trong bản; thầy cúng và đại diện nam nữ của bản trong những trang phục truyền thống sẽ đi dọc theo bản, đến từng nhà để gọi mọi người tham gia lễ hội. Sau khi gọi được mọi người, đoàn xin lễ sẽ đến mó nước đầu nguồn của bản để làm lễ xin mang nước về tổ chức lễ hội cầu mưa.
Nghi thức lễ hội cầu mưa được thầy cúng đảm nhiệm và mọi người tập trung lại cùng cầu nguyện. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa; cầu xin ông trời ban mưa xuống cho ruộng đồng, cây cối tốt tươi… Kết thúc bài cúng, ông Then sẽ tuyên bố ban nước cho dân làng, để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội Cầu mưa được tổ chức không chỉ để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Với hướng đi đúng, gìn giữ nét đẹp, giá trị văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng của các dân tộc anh em qua các Lễ hội, Ngày hội hàng năm. Đã và đang góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng, các khu du lịch, các sản phẩm nông nghiệp… để thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến với Cao nguyên Mộc Châu và tham gia các hoạt động, trải nghiệm văn hóa bản sắc của địa phương.
A Trứ/ VP Tây Bắc