Thích nghi với trạng thái “bình thường mới”
Nhìn từ công tác phòng chống dịch thực tiễn cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ngành y tế trong việc thực hiện truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị, thì sự đồng lòng ủng hộ của người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng là điều kiện quan trọng hàng đầu để kịp thời khống chế dịch bệnh.
Trong "trạng thái bình thường mới", một số hoạt động đang dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Trong một vài thời điểm, có thể cần có những hoạt động giãn cách xã hội, thậm chí phong toả từng bộ phận để chống dịch COVID-19.
Mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người… của bản thân. Đồng thời, tăng thời gian làm việc tại nhà, nhận hàng hóa tại nhà; cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong một không gian hạn chế.
Khi thực hiện "trạng thái bình thường mới", người dân cần phải tuân thủ nguyên tắc 5K; sử dụng mã khai báo QR tại các chốt kiểm soát và cài đặt các ứng dụng về COVID-19. Khi có thông báo tiêm vaccine trên địa bàn, người dân cần đăng ký và chủ động tiêm chủng. Nếu người dân có các triệu chứng về bệnh COVID-19, phải liên hệ với y tế tại địa phương ngay lập tức, không được tự ý di chuyển đến bệnh viện. Nâng cao khả năng tự chăm sóc khi không may bị nhiễm bệnh. Khi đã được tiêm vaccine, người dân nếu nhiễm bệnh phải khai báo y tế; tự cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Mỗi người dân cần tự tạo thói quen với "trạng thái bình thường mới". Cụ thể như việc hạn chế người vào thăm động viên bệnh nhân trong bệnh viện là rất cần thiết trên nhiều khía cạnh về đảm bảo trên các khía cạnh y tế, vệ sinh dịch tễ, văn hóa và quan hệ xã hội. Tại những nơi tập trung đông người tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19, thay vì thường xuyên diễn ra trong không gian khép kín và đông đúc như trước đây, các hoạt động này cần nhìn đến xu hướng tổ chức trong không gian mở, ngoài trời nhằm thích ứng "trạng thái bình thường mới".
Về hoạt động của các doanh nghiệp trong cả nước, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” cần đòi hỏi sự thay đổi về quy mô hoạt động. Mỗi doanh nghiệp cần thành lập một hoặc nhiều tổ tự quản về phòng chống dịch để ứng phó với những kịch bản có thể xảy ra. Tổ tự quản giúp mọi người giám sát, hỗ trợ, nhắc nhở nhau trong sinh hoạt, làm việc để vừa đảm bảo hiệu quả công việc vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là khi trong nội bộ xuất hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong ngành chè đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam nhìn nhận, đại dịch Covid – 19 chưa biết bao giờ mới kết thúc trong nước và trên thế giới, cho nên các doanh nghiệp, các HTX và các hộ gia đình kinh doanh chè vẫn phải nêu cao cảnh giác, vẫn phải tìm các giải pháp thích ứng để vừa giữ vững được sản xuất, chế biến, tiêu thụ vừa đảm bảo yêu cầu của việc phòng chống dịch.
Trong vấn đề sản xuất, Hiệp hội khuyến cáo nên điều tiết về vấn đề người lao động khi thực hiện quá trình thu hoạch, cần đảm bảo được sự giãn cách giữa người lao động với nhau để đảm bảo được các biện pháp phòng chống. Trong chế biến cũng vậy, nên dàn trải nhiều ca làm việc và các ca sản xuất cần ít người hơn để đảm bảo biện pháp phòng dịch 5K. Cùng với đó cần kiểm soát người lao động khi vào các nhà máy chế biến chè và đặc biệt là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa cho cả khâu sản xuất nông nghiệp và khâu chế biến.
“Các doanh nghiệp chè cần kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cơ khí để nghiên cứu cải tiến các dây chuyền nhằm tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa. Xu hướng đào tạo công nhân tay nghề cao hơn, giảm thiểu lao động thủ công, nâng cao tay nghề cho người lao động có cơ hội tăng tiền lương, tiền công cho người lao động sẽ giữ chân được họ trong xu hướng lao động trong ngành chè đang bị các ngành công nghiệp như may mặc, điện tử và dịch vụ thu hút” Ông Tài chia sẻ.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, thương mại - dịch vụ, sản xuất hàng hóa và các cảng là những nhóm doanh nghiệp cần sớm thích nghi với môi trường làm việc có dịch COVID-19 nhằm hoạt động lâu dài và bền vững.
Trong những doanh nghiệp thuộc nhóm này cần hướng đến năng lực hấp thụ tốt các chính sách trong “trạng thái bình thường mới”: miễn thuế, cho vay vốn, gia hạn nợ, kết nối hệ thống doanh nghiệp cùng ngành, xúc tiến thương mại, giảm giá thuê mặt bằng, các gói tài chính kích cầu hay các chương trình hỗ trợ xây dựng hệ thống phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, những người tham gia hoạt động kinh doanh, gồm cả chủ hộ kinh doanh và người lao động đều phải xét nghiệm khi làm việc và được tiêm vaccine đầy đủ. Bên cạnh đó, thường xuyên xét nghiệm theo quy định của ngành Y tế và không tiếp tục làm việc khi có biểu hiện bệnh COVID-19…
16 hiệp hội kiến nghị giải pháp sống chung với dịch COVID-19
Vừa qua, Hiệp hội Chè Việt Nam , Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử cùng các hiệp hội ngành hàng lớn nhất nước thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, điện tử, chế biến thủy hải sản, đồ gỗ, nhựa, giấy… gửi kiến nghị đến Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Theo các hiệp hội, dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy.
Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới, thay thế chỉ thị số 15 và 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, trong đó quan điểm lẫn mục tiêu "Zero COVID-19" đã chuyển sang "sống chung với COVID-19". Chỉ thị mới này cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch - phục hồi kinh tế, và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Một kiến nghị quan trọng khác là bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong các chỉ thị trên. Cả nước là một vùng, và quản lý dịch theo điểm: không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (căn nhà, căn hộ, xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban...).
Đối với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp, các hiệp hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước, các biện pháp đã nêu trong nghị quyết 105/NQ-CP.
Đồng thời kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện của chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.
Về giải pháp phòng chống dịch tại điểm sản xuất (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng), các hiệp hội đề xuất thực hiện theo các tiêu chí: điểm sản xuất tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện 5K; xét nghiệm xác suất 10% lao động với tần suất 7 ngày/lần. Bộ Y tế ban hành công điện hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp toàn quốc về quy tắc test COVID trong nhà máy/doanh nghiệp (bao gồm tỉ lệ số công nhân phải test, thời gian test - cho các trường hợp: chưa tiêm vắc xin, đã tiêm một mũi hoặc hai mũi)...
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.