Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa trái cây của Việt Nam mà còn đang ngày càng khẳng định vị thế thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tính đến tháng 9/2024, khu vực này đã có gần 3.000 sản phẩm OCOP đạt chuẩn, xếp thứ hai trên cả nước, chỉ sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Các sản phẩm OCOP của ĐBSCL không chỉ phong phú về loại hình mà còn mang đậm nét văn hóa và đặc trưng địa phương, góp phần phát triển kinh tế bền vững và nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Sản phẩm OCOP của ĐBSCL rất đa dạng, bao gồm trái cây, thủy sản và các sản phẩm từ lúa gạo - những mặt hàng nông sản nổi bật của khu vực này. Các sản phẩm OCOP như sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, mắm Châu Đốc, đều là những đặc sản có danh tiếng, mang lại giá trị kinh tế lớn. Cụ thể, hơn 21% tổng sản phẩm OCOP của cả nước đến từ ĐBSCL, với hơn 1.500 chủ thể tham gia, từ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ cho đến các hộ gia đình cũng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, là mức cao nhất trong xếp hạng OCOP, khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm. Bến Tre hiện là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP 5 sao nhất vùng với các sản phẩm như dừa và các chế phẩm từ dừa, kế đến là Trà Vinh và Kiên Giang. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu, mở ra hướng phát triển kinh tế rộng lớn hơn cho khu vực.
Chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của ĐBSCL tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với văn hóa bản địa đã giúp các sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang đậm dấu ấn vùng miền. Điều này tạo sức hấp dẫn đặc biệt với du khách, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa.
OCOP góp tích cực vào việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Thông qua các hoạt động sản xuất và chế biến sản phẩm OCOP, người dân ĐBSCL có cơ hội nâng cao kỹ năng và tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất và quản lý. Chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi, thông qua các hội chợ, triển lãm, và kênh thương mại điện tử.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chương trình OCOP tại ĐBSCL cũng gặp phải một số thách thức nhất định. Việc duy trì chất lượng sản phẩm đồng đều giữa các địa phương là vấn đề quan trọng, khi một số sản phẩm sau khi đạt chuẩn lại không giữ được chất lượng ổn định, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu OCOP. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế do nhiều yếu tố như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu thương hiệu mạnh, và nguồn lực quảng bá hạn chế . Một khó khăn khác là nhiếu hụt về nguồn vốn và kỹ thuật trong việc đầu tư phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương. Đặc biệt, nhiều xã, huyện vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đủ nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để có thể phát triển sản phẩm OCOP đạt chuẩn quốc gia hoặc hướng đến xuất khẩu.
Để chương trình OCOP tại ĐBSCL phát triển bền vững, các cấp chính quyền cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể. Đầu tiên, việc đẩy mạnh quảng bá và kết nối thị trường là yếu tố cần thiết. Các địa phương có thể tổ chức các hội chợ, hội nghị và hợp tác với các sàn thương mại điện tử để giúp sản phẩm OCOP tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn, đặc biệt là ở thị trường quốc tế .
Đào tạo và nâng cao kỹ năng chế biến cho người dân cũng là điều cần chú trọng. Việc này giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp người dân có thêm kiến thức về xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm OCOP bền vững. Áp dụng công nghệ vào sản xuất cũng là một hướng đi quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP.
Chính quyền các địa phương cần tiếp tục giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm OCOP luôn đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất. Điều này không chỉ giúp xây dựng uy tín và niềm tin cho sản phẩm mà còn tạo động lực để người sản xuất duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chương trình OCOP đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho vùng ĐBSCL, giúp nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Gần 3.000 sản phẩm OCOP đạt chuẩn là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng và sức hút của chương trình này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Tuy vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những chính sách và giải pháp phù hợp, OCOP tại ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển, góp phần đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế và cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.