Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, vùng Đồng bằng sông Hồng đã vươn lên dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP - Ảnh 1

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product – OCOP) là một trong những chiến lược trọng tâm của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững. OCOP không chỉ giúp các địa phương khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc trưng mà còn nâng cao thu nhập cho người dân. Sự phát triển của OCOP đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, đến tháng 9/2024, toàn quốc đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nổi bật với vị trí dẫn đầu, chiếm tỷ 30,7% tổng số sản phẩm OCOP trên toàn quốc, bỏ xa các khu vực khác như Trung du miền núi phía Bắc (chiếm 18,3%), Miền núi phía Nam (16,8%), và các khu vực khác (34,2%). Các sản phẩm OCOP của khu vực ĐBSH rất đa dạng, từ thực phẩm, đồ uống, dược liệu, đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sinh vật cảnh.

Để đạt được những bước tiến nổi bây như vậy, các tỉnh trong khu vực ĐBSH đã chú trọng đầu tư vào chương trình OCOP, không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm mà còn xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ quảng bá và tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, ĐBSH nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp giáp các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và Hải Phòng - hai thành phố có nền kinh tế phát triển, thu hút nhiều hoạt động thương mại và đầu tư. Hà Nội, là thủ đô của cả nước, không chỉ đóng vai trò trung tâm hành chính mà còn là đầu mối giao thông quan trọng. Việc các sản phẩm OCOP có thể tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng và thị trường lớn tại các thành phố này là một lợi thế lớn, giúp sản phẩm nhanh chóng nổi bật và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hơn thế nữa, ĐBSH có mạng lưới giao thông đồng bộ và phát triển với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hiện đại. Hệ thống đường cao tốc nối liền Hà Nội với các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định... giúp việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện. Đặc biệt, cảng Hải Phòng là một trong những cảng biển quan trọng nhất của Việt Nam, đóng vai trò đầu mối giao thương quốc tế. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP từ ĐBSH có thể được xuất khẩu trực tiếp qua cảng Hải Phòng, tiết kiệm chi phí vận chuyển và thời gian.

Ngoài điều kiện địa lý và kinh tế, ĐBSH còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với hàng trăm làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ. Các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), chạm khắc gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hay bánh gai Ninh Giang (Hải Dương) không chỉ sản xuất ra các sản phẩm độc đáo mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP - Ảnh 2

Sự phát triển của du lịch cũng tạo cơ hội lớn cho các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Khách du lịch khi đến thăm ĐBSH thường có nhu cầu mua sắm các sản phẩm OCOP làm quà lưu niệm, giúp sản phẩm OCOP của khu vực này ngày càng nổi tiếng và gia tăng giá trị.

Để duy trì vị trí dẫn đầu và đáp ứng các mục tiêu mới của chương trình OCOP, các tỉnh thuộc ĐBSH cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình và đồng thời tìm kiếm những hướng đi mới. Cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu xuất khẩu. Đồng thời, cần đầu tư vào việc cải tiến mẫu mã, bao bì để sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Mở rộng kênh phân phối bằng cách đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cả các kênh thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp sản phẩm tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các tỉnh trong khu vực cần tổ chức thêm các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế và các thành phố lớn. Việc hợp tác với các công ty du lịch để giới thiệu sản phẩm OCOP đến du khách quốc tế cũng là một hướng đi tiềm năng. Ngoài ra, các làng nghề cần được hỗ trợ trong việc đào tạo kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động và tiếp cận công nghệ mới. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của làng nghề.

Đồng bằng sông Hồng với những lợi thế đặc biệt về lịch sử làng nghề, vị trí địa lý và sự quan tâm đầu tư đã và đang dẫn đầu cả nước trong phong trào phát triển sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP không chỉ giúp ĐBSH khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế quốc gia mà còn mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm truyền thống tiếp cận thị trường quốc tế. Với những tiềm năng và định hướng phát triển rõ ràng, Đồng bằng sông Hồng hứa hẹn sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu và đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của chương trình OCOP tại Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế nông thôn và xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm mang đậm bản sắc Việt.

Phương Linh

Từ khóa: