Dự báo năm 2021, lợi nhuận PV Driling có thể bị sụt giảm

Sau khi xếp hạng trong top doanh nghiệp niêm yết tốt nhất năm 2021 của Tạp chí Forbes Việt Nam được công bố vào đầu tháng 6/2021, cổ phiếu PVD của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Pv Drilling) đang có dấu hiệu sụt giảm do lợi nhuận ảnh hưởng từ việc đối tác tuyên bố phá sản.

Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí trước đây được biết đến là công ty nhà nước thành viên thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Được thành lập vào ngày 26/11/2001 tại quyết định số 647/QĐVPCP do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp theo Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Dầu Khí Việt Nam đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 246/2003/QĐTTg ngày 18/11/2003 và căn cứ quyết định số 3535/QĐTCCB ngày 31/12/2004 của Bộ Công nghiệp về việc cổ phần hóa Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PV Drilling).

Công ty đã tích cực triển khai các thủ tục chuyển đổi sang công ty cổ phần. Ngày 20/10/2005, Bộ Công nghiệp đã ra quyết định số 3477/QĐBCN phê duyệt phương án và chuyển Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí thành Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí.

PV Drilling chính thức niêm yết công ty trên sàn chứng khoán vào ngày 5/12/2006 với mã cổ phiếu PVD , hiện nay doanh nghiệp có tổng cộng 14 công ty thành viên nằm trong “hệ sinh thái” hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp giàn khoan, dịch vụ kỹ thuật về khoan và giếng khoan, dịch vụ cung ứng nhân lực trong lĩnh vực khoan và giếng khoan dầu khí (ngoài khơi lẫn trên đất liền).

Chỉ số kinh doanh trong vòng 3 năm của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí(MCK-PVD)
Chỉ số kinh doanh trong vòng 3 năm của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí(MCK-PVD)

Tạp chí Forbes Việt Nam mới đây đã công bố Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2021 xếp hạng từ việc lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và dựa trên các tiêu chí khác như tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2021, vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị, triển vọng phát triển ngành…

Với kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng, PV Drilling đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và an toàn trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt năm 2020, PV Drilling hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh với 5.228 tỷ đồng doanh thu và 184 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hoàn thành 112% và 273% kế hoạch. Theo đó, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling - Mã chứng khoán: PVD) nằm trong top 12 doanh nghiệp dẫn đầu danh sách này.

Tính đến thời điểm ngày 31/12, tổng tài sản của PVD đến hết năm 2020 tương đương với ngày đầu năm, xấp xỉ 20.853 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tiền gửi có kỳ hạn ngân hàng ở mức 2.270 tỷ đồng, giảm 23% và chiếm khoảng 11% tổng tài sản. Khoản hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn khoảng 2.765 tỷ đồng, tương đương với cuối năm ngoái.

Theo PV Drilling, dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 cùng khủng hoảng giá dầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dầu khí. Áp lực giảm giá của dịch vụ khoan tăng cao khi các nhà thầu dầu khí liên tục cắt giảm đầu tư, tạm hoãn hoặc hủy các chương trình khoan trong năm 2020, khiến tình trạng cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho các giàn khoan khó khăn và khốc liệt hơn.

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING III
Giàn khoan tự nâng PV DRILLING III

Tháng 8, thị trường ghi nhận mức hiệu suất sử dụng giàn thấp nhất kể từ đầu năm, với 26/61 giàn khoan tự nâng trong khu vực không có việc làm. Công ty cũng không nằm ngoài sự tác động đó khi cả 2 giàn khoan PV Drilling II và PV Drilling III phải dừng hợp đồng khoan tại Malaysia sớm hơn kế hoạch do khách hàng điều chỉnh kế hoạch khoan. Giàn đất liền PV Drilling 11 dù đã ký hợp đồng có thời hạn 3 năm tại thị trường Algeria cũng phải chờ kế hoạch triển khai từ khách hàng.

Lợi nhuận sụt giảm do đối tác phá sản

Ngày 4/6, Kris Energy – nhà thầu dầu khí có trụ sở tại Singapore thông báo không có khả năng thanh toán các khoản nợ và sẽ tiến hành thanh lý. Đơn vị đã đệ đơn lên tòa án xin phá sản và sẽ bán tài sản để trả nợ.

Là đối tác với công nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) lập tức có phản ứng mạnh giảm sàn trước thông tin tiêu cực trên. Giá cổ phiếu PVD đã giảm 6,92% xuống còn 22.200 đồng/cp với thanh khoản hơn 18 triệu đơn vị.

Ghi nhận trên BCTC tính đến thời điểm 31/3/2021, khoản công nợ với Kris Energy tại PVD vào mức 107,3 tỷ đồng. Như vậy, khi đối tác nộp đơn phá sản nhiều khả năng PV Drilling sẽ phải tiến hành trích lập khoản công nợ tương tự như nhiều doanh nghiệp khác đã làm khi gặp tình huống tương tự.

Trong báo cáo mới nhất, SSI Research cho rằng việc Kris Energy phá sản sẽ là yếu tố cản trở triển vọng lợi nhuận năm 2021 của PVD. Cụ thể, PVD là nhà thầu khoan cho dự án này tại Campuchia, bắt đầu khoan 6 giếng khoan trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021 sử dụng giàn JU PVD III.

Trong trường hợp PVD quyết định trích lập dự phòng toàn bộ 107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2021 có thể giảm còn 90 tỷ đồng (giảm 50% so với năm 2020), đây là yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đối với cổ phiếu, SSI Research đánh giá.
Trong trường hợp PVD quyết định trích lập dự phòng toàn bộ 107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2021 có thể giảm còn 90 tỷ đồng (giảm 50% so với năm 2020), đây là yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đối với cổ phiếu, SSI Research đánh giá.

Phía PVD cho biết Kris Energy Campuchia đã trả đủ 9 triệu USD doanh thu khoan, trong khi 107 tỷ đồng các khoản phải thu gần đây đã ghi nhận vào doanh thu và vẫn trong thời hạn thanh toán.

Tuy nhiên, theo SSI Research nhận định, PVD có thể không phải trích lập dự phòng ngay trong quý 2/2021. Ngoài ra, vẫn có khả năng PVD cần trích lập dự phòng nếu tỷ lệ thu hồi dầu ở mức thấp có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Kris Energy Campuchia.

Mặt khác, cuối quý 1/2021, PVD có khoảng 100 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu, chủ yếu từ PVEP và PVEP POC. Do vậy, nếu phải trích lập đầy đủ khoản phải thu của Kris Energy sẽ làm con số này tăng gấp đôi.

Hệ quả, PVD sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh hiện tại. Trong trường hợp PVD quyết định trích lập dự phòng toàn bộ 107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2021 có thể giảm còn 90 tỷ đồng (giảm 50% so với năm 2020), đây là yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đối với cổ phiếu, SSI Research đánh giá.

Kinh doanh dưới giá vốn

Tiếp nhận thông tin xấu từ việc đối tác có nguy cơ phá sản, ngay trong quí 1/2021 vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 550 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn khiến PV Drilling lỗ gộp 27,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp đạt hơn 157 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động tài chính mang về 41,5 tỷ đồng doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ, chi phí của hoạt động này cũng giảm một nửa từ 80 tỷ đồng xuống còn 43 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng thấp hơn một nửa so với cùng kỳ.

Đáng chú ý chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao với 83,6 tỷ đồng nên PVD chịu lỗ sau thuế gần 110 tỷ đồng, trong khi quý 1/2020 lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 104 tỷ đồng.

Sang năm 2021, doanh nghiệp nhận định kinh tế toàn cầu năm 2021 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường trước khả năng kiểm soát dịch bệnh còn chưa chắc chắn và phụ thuộc nhiều vào việc triển khai thành công các chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của các quốc gia nhưng sẽ vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới.

Ngành công nghiệp dầu khí vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Nhu cầu dầu thô năm 2021 được dự báo tăng trở lại, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch Covid-19 do nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm và năm 2021 theo dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành dầu khí. Theo đó PVD mới chỉ đề ra mục tiêu doanh thu đạt 4.400 tỷ đồng và sẽ nỗ lực có lãi trong năm 2021.

Mới đây vào cuối tháng 3 PVD đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PV DRILLING I cho Công ty Điều hành chung Cửu Long (CLJOC) trong năm 2021. Giàn khoan PV DRILLING I sẽ thực hiện chương trình khoan của CLJOC gồm 2 giếng chắc chắn và một số giếng tùy chọn tại Lô 15-1, ngoài khơi vùng biển Việt Nam.

Lan Anh