Dự báo xuất khẩu năm 2024 có thể vượt mục tiêu

Thương mại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu đầy khó khăn, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 370 tỷ USD trong nửa đầu năm. Theo dư báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2024 có thể vượt mục tiêu 6% đặt ra từ đầu năm.

Theo số liệu ước của liên Bộ Công Thương - Tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Dự báo xuất khẩu năm 2024 có thể vượt mục tiêu  - Ảnh 1

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng ở mức cao ước đạt 19,9%; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1% ; Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%.

Về nhập khẩu, chiếm 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu, với kim ngạch ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2023.

“Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao”, Bộ Công Thương nhận định.

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn. Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Dựa trên đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn cũng như những kết quả tăng trưởng tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được phục hồi”, ông Hải nhấn mạnh.