Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 12/2020, xuất khẩu chè ước đạt 13 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2019, giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2020 đạt 1.538,5 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 12/2019. Năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 137 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 6,8% về giá trị so với năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2020 ước đạt 1.608,5 USD/tấn, giảm 6,5% so với năm 2019.
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động lên thị trường chè toàn cầu khiến xuất khẩu chè của Việt Nam gặp khó khăn, nhu cầu giảm khiến giá chè nguyên liệu xuất khẩu có xu hướng giảm theo. Về nguồn cung, do kiểm soát dịch tốt, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất chè tại Việt Nam đã trở lại bình thường.
Thị trường chè trong nước được dự báo sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung tương đối ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Chính vì thế, thời gian gần đây Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) không ngừng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng thượng hiệu chè Vinatea và tìm ra hướng đi mới nhằm chinh phục lại người tiêu dùng cũng như đảm bảo cho người lao động tại Tổng công ty.
Vinatea - tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được thành lập từ năm 1958. Từ năm 2015, để phù hợp với tình hình mới, Vinatea đã được cổ phần hoá, tái cấu trúc toàn diện với sự tham gia 95% vốn điều lệ từ Công ty GTNFoods tập trung đầu tư mạnh vào sản phẩm sữa Mộc Châu, trà Vinatea và rượu vang Đà Lạt với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững khép kín.
Doanh nghiệp hiện tại đang sở hữu vùng nguyên liệu trồng chè và nhà máy sản xuất chè trải dài khắp các tỉnh Miền Bắc Việt Nam như: Phú Thọ, Mộc Châu, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Hà Tĩnh, Hà Nội… với tổng diện tích trồng chè gần 4.700 ha với các vườn chè năng suất cao, chất lượng tốt.
Thời gian qua, Vinatea đã đầu tư tổng lực về ngân sách, đội ngũ, công sức và chuyên môn cho cuộc tái thiết tất cả vùng nguyên liệu. Để có trà sạch thực sự, phải thay đổi từ cốt lõi là tư duy canh tác và phải tiến hành những cuộc cải tổ cụ thể từ làm sạch đất, cải thiện giống trà, thiết lập quy trình chuẩn mực về chăm sóc, thu hoạch trà, quy chuẩn về chế biến.
Ngoài ra, một vấn đề đang nóng trong ngành chè là việc đầu tư cho vùng nguyên liệu bền vững có liên quan đến việc quy hoạch đất đai còn nhiều vướng mắc cần khắc phục để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
“Ví dụ như tỉnh Lâm Đồng dù đầu tư như thế nào đi nữa thì việc chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế với địa phương rất dễ xảy ra trường hợp mất cả một vùng chè vì quyết định của tỉnh. Hay đến lúc trồng chè không hiệu quả, người dân bỏ nghề dẫn đến phải đầu tư sang mô hình nông nghiệp khác nên vấn đề đầu tư với quy mô lớn hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí để đầu tư vào khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả cạnh tranh”, bà Hồng đánh giá.
Tại Vinatea hiện nay cũng đang gặp phải tình trạng cạnh tranh về ngành khi các khu công nghiệp liên tục phát triển xung quanh khu vực sản xuất đang dần thu hút người dân lao động, giờ đây doanh nghiệp đang tính đến việc sử dụng lao động làm sao cho thật hiệu quả. Phải đưa lợi ích của người trồng chè lên trên, tạo cuộc sống dư dả giúp phát triển kinh doanh trung và dài hạn.
“Để ổn định năng lượng sản xuất, thì việc bảo đảm nguồn thu nhập cho người dân trồng chè hiện nay là cực kỳ quan trọng. Trong thời gian tới, Vinatea cũng đang có hướng phát triển xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp chè để đảm bảo sự đầu tư lâu dài cũng như đảm bảo thu nhập cho người dân lao động”, Phó Tổng giám đốc Vinatea nhấn mạnh.
Trên thực tế, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng chè đã được áp dụng ở nhiều vùng chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La… đang dần dần nhận được nhiều kết quả mong đợi. Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Tổng cục Du lịch, du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của du khách. Theo thống kê, lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60% trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới. Sản phẩm trà nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè chắc chắn sẽ có được sự cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hiện nay các công ty du lịch lữ hành ra đời ngày càng nhiều và luôn tìm kiếm, khai thác những địa điểm, sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của miền đất và con người nơi vùng chè nổi tiếng sẽ là điểm khai thác mà các công ty du lịch lữ hành ngắm tới để hợp tác đầu tư.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Huy Đức