Biến đất hoang thành vùng canh tác hiệu quả
Dù địa hình chủ yếu là đồi núi, khô hạn, Hà Tĩnh lại sở hữu điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển cây dứa – giống cây dễ chăm, ít sâu bệnh và cho năng suất cao.
Những mảnh đồi khô hạn được thay thế bằng màu xanh của cây dứa
Những ngày này, tại xã Kỳ Hoa, hàng chục lao động thuộc Tổ hợp tác sản xuất dứa Ngân Hà đang khẩn trương thu hoạch vụ đầu tiên. Trên 8,5 ha đất đồi trước đây bỏ hoang, 13 hộ dân đã liên kết cải tạo và trồng dứa theo mô hình hợp tác. Tổ hợp tác được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra, góp phần ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.
Ông Trương Xuân Hà tổ trưởng THT một trong những người đi đầu trong mô hình trồng dứa tại Hà Tĩnh
Cây dứa thường cho thu hoạch sau 14–20 tháng trồng, lứa thứ hai sau khoảng 10 tháng. Sau hai vụ, bà con sẽ trồng mới để đảm bảo năng suất và chất lượng.
Hiện khoảng 20% diện tích tại xã Kỳ Hoa đã cho quả bói, phần còn lại dự kiến thu hoạch vào cuối năm. Anh Trương Xuân Hà – Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, sau khi tham quan mô hình trồng dứa tại Ninh Bình, các thành viên nhận thấy cây dứa phù hợp với điều kiện đất đai khô hạn của Hà Tĩnh nên quyết định đầu tư phát triển.
Dù mới chín bói chưa đạt năng suất cao nhưng cho thấy trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chi phí đầu tư trung bình cho mỗi ha dứa khoảng 130 triệu đồng, bao gồm giống, xử lý đất, phân bón và công chăm sóc. Dù mới thu bói, năng suất ước đạt hơn 10 tấn/ha.
“Dứa cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây khác, lại ít tốn công chăm sóc. Đặc biệt, sản phẩm được thu mua ngay tại vườn nên bà con rất yên tâm về đầu ra,” ông Trương Xuân Hà – Tổ trưởng THT chia sẻ.
Hiện Tổ hợp tác đang thuê hơn 20 lao động thời vụ để đảm bảo tiến độ thu hoạch, với mức thu nhập 300.000 đồng/ngày.
Hiệu quả bước đầu, tiềm năng mở rộng
Đây được xem là những thành quả bước đầu
Theo ông Cao Xuân Bình – cán bộ kỹ thuật Công ty Đồng Giao, cây dứa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng đồi núi Hà Tĩnh. Với chu kỳ sinh trưởng từ 14–20 tháng, dứa bắt đầu cho quả, tuy nhiên năng suất thu bói chưa cao. Đợt này, cây được trồng từ tháng 4/2024 và hiện đang cho thu bói. Công nhân đang tiến hành kích hoa để cây ra quả đồng loạt, hướng tới đạt năng suất tối ưu cả về chất lượng lẫn sản lượng.
Công ty Đồng Giao cam kết cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và thu mua sản phẩm tại vườn với mức giá từ 5.000–6.000 đồng/kg. Hiện doanh nghiệp đang triển khai mô hình tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang (cũ)… với tổng diện tích khoảng 234 ha và tiếp tục có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu trong thời gian tới.
Dứa được Công ty thu mua tận ruộng nên người dân không phải lo đến đầu ra của sản phẩm
Theo ông Minh quản lý tổ hợp tác cho biết, dù mới thu hoạch bói nhưng với sản lượng này được xem là những tín hiệu khả quan. Dù là năm đầu chưa có kinh nghiệm, cũng như kỹ thuật nhưng những năm sau dự kiến năng suất sẽ cao hơn.
Hướng tới phát triển bền vững
Trước đó, mô hình trồng dứa liên kết đã được triển khai thử nghiệm tại huyện Kỳ Anh (cũ) và ghi nhận những kết quả tích cực. Việc phát triển cây dứa được xem là giải pháp thay thế hiệu quả cho các vùng đồi núi đang canh tác kém hiệu quả hoặc bỏ hoang.
Hà Tĩnh đang định hướng mở rộng diện tích trồng dứa trên đất đồi, thay thế các loại cây trồng ngắn ngày, năng suất thấp như keo, sắn… Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Các địa phương cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp và Liên minh Hợp tác xã để thành lập thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân và đơn vị thu mua.
Mô hình trồng dứa liên kết tại Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả rõ nét trong khai thác đất đồi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Với định hướng phát triển theo chuỗi giá trị và mở rộng vùng nguyên liệu, cây dứa đang trở thành hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.
Diễm Phước