Đua nhau mở chuỗi cà phê

Các chuỗi cà phê nội địa đang nỗ lực "mạnh lên" để chiếm giữ thị phần trước khi thị trường đến ngưỡng bão hòa

Bất chấp dịch Covid-19, cuộc đua mở chuỗi giữa các thương hiệu cà phê vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt từ cuối năm ngoái đến nay. Thống kê quý IV/2020 của CBRE Việt Nam cho thấy số lượng chuỗi cà phê vẫn tăng trưởng hơn 10% và chuỗi cà phê là lĩnh vực duy nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đạt tăng trưởng dương trong giai đoạn 2019-2020.

Âm thầm tăng tốc

Âm thầm tiến vào Việt Nam vào tháng 10-2020, Café Amazon - chuỗi cà phê hàng đầu Thái Lan - đến nay đã mở được 4 cửa hàng ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và TP HCM. Tuy nhiên, mới đây họ bất ngờ tuyên bố sẽ mở rộng hệ thống khắp thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Theo chuỗi này, Việt Nam là 1 trong 10 thị trường quan trọng mà công ty mẹ dự kiến chi đến 2,5 tỉ USD để mở rộng trong 5 năm tới.

Với những chuỗi hiện hữu, thương hiệu đình đám của Mỹ là Starbucks vẫn tiếp tục kế hoạch phát triển số cửa hàng sở hữu lên trên 2 con số, chuẩn bị danh sách dài những cửa hàng mới tại Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM trong năm nay. Thương hiệu nhượng quyền E-Coffee của Trung Nguyên cũng có kế hoạch khai trương thêm 16 điểm bán trên cả nước. Hệ thống đang đứng thứ hai thị trường về tổng doanh thu là The Coffee House đã mở thêm 24 cửa hàng chỉ trong quý I/2021, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc lên con số 176. Theo kế hoạch, trong năm nay, hệ thống này sẽ mở thêm ít nhất 50 cửa hàng mới, nâng quy mô lên gần 230 cửa hàng vào cuối năm 2021 và đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2025.

Chuỗi King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng lên kế hoạch sở hữu 105 cửa hàng, trong đó có 50 cửa hàng nhượng quyền trong năm nay, cao gấp 2,5 lần so với tổng số 40 cửa hàng hiện hữu. "Tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh thu năm 2020 của hệ thống King Coffee vẫn tăng trưởng so với năm 2019. Mới đây, chúng tôi vừa khai trương thêm 2 cửa hàng tại TP Thủ Đức. Trong tháng 5 này, King Coffee sẽ mở quán mới ở An Dương Vương, quận 5, TP HCM" - đại diện King Coffee cho hay.

Vừa khai trương cửa hàng cà phê The Bunny thứ 3 tại một vị trí "vàng" trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP HCM), ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, sở hữu chuỗi cà phê The Bunny, tự tin rằng ngành hàng này luôn có chỗ cho thương hiệu mới. "Ở phân khúc tầm trung trở lên, hiện chỉ có vài thương hiệu nên thời điểm dịch bệnh là cơ hội cho những nhà đầu tư mới bởi chưa bao giờ mặt bằng đắc địa lại dễ kiếm và giá rẻ như lúc này. Việc tuyển chọn nhân lực chất lượng cao cũng thuận lợi hơn trước. Khách hàng bây giờ khác trước, họ cần những quán cà phê đẳng cấp, có gu" - ông Tùng chia sẻ. Cũng theo ông Tùng, The Bunny ra mắt ngay mùa dịch, chỉ trong 8 tháng đã được 3 điểm đều ở mặt bằng đẹp, thu hút được khách đông nên kết quả kinh doanh rất tốt.

Các thương hiệu lớn khác như Highlands Coffee, Phúc Long, Ông Bầu… đều âm thầm tăng độ phủ bằng cách tiến nhanh ra các tỉnh, thành ngoài TP HCM.

Các chuỗi cà phê vẫn âm thầm mở thêm cửa hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU  
Các chuỗi cà phê vẫn âm thầm mở thêm cửa hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU  

Thị phần còn rất lớn

Theo nghiên cứu của hãng Euromonitor năm 2020, giá trị thị trường cà phê và trà Việt Nam đạt khoảng 1 tỉ USD nhưng chưa có đơn vị nào giành thị phần áp đảo. Cộng hết những cái tên phổ biến hiện nay như Starbucks, Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên… cũng chưa đến 20% thị phần. Còn theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở nước ta chỉ bằng 1/3 mức tiêu thụ bình quân của thế giới, khoảng chênh lệch lớn này cộng với văn hóa uống cà phê của người Việt đang là sức hút lớn đối với các doanh nghiệp (DN) cả nội địa lẫn nước ngoài.

Ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT chuỗi The Coffee House, cho rằng 5 năm gần đây, thị trường cà phê rất sôi động, nhiều thương hiệu quốc tế vào, nhiều thương hiệu trong nước mạnh lên. Ông dự đoán khoảng 3 năm nữa sẽ hình thành những thương hiệu mạnh chi phối thị trường. "Khoảng thời gian 3 năm đủ để các DN nội chiếm giữ vị trí tốp đầu hoặc chấp nhận nhường vị trí cho các "tay chơi" ngoại. Bản thân The Coffee House đang nỗ lực chuyển mình để không bị đào thải, có mặt trong tốp thương hiệu dẫn đầu" - ông Huân chia sẻ và phân tích yếu tố thành công để chinh phục khách hàng là làm sao để có sản phẩm cà phê ngon theo đúng gu thưởng thức của khách hàng Việt, phải xây dựng được chuỗi đồng nhất chất lượng, nắm bắt đúng thị hiếu khách hàng và thay đổi, bắt nhịp theo xu hướng tiêu dùng của khách hàng, mang lại sự trải nghiệm đồng bộ trên toàn chuỗi; đồng thời cũng phải vượt qua những thách thức như chi phí mặt bằng cao, nhiều thương hiệu cạnh tranh… dễ làm cho những tính toán ban đầu không như mong đợi.

Các chuyên gia marketing và thương hiệu đánh giá các DN nội đang có lợi thế về số lượng thương hiệu lẫn số lượng cửa hàng. Trong khi các thương hiệu ngoại áp đảo ở phân khúc khách hàng cao cấp thì chuỗi cà phê nội địa đang chiếm lĩnh phân khúc tầm trung trở xuống. Không loại trừ khả năng các DN ngoại mạnh về tài chính sẽ thâu tóm các chuỗi nội địa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận cạnh tranh sẽ thúc đẩy phát triển, người tiêu dùng hưởng lợi. Ngay cả khi DN ngoại mua hết các chuỗi cà phê Việt nổi tiếng cũng không thể chiếm lĩnh được hết thị trường, sẽ có chuỗi mới mở ra. Quan trọng vẫn là làm sao chuỗi cà phê của mình đặc biệt, thu hút được khách hàng.

Thực tế, các chuỗi đang cạnh tranh nhau lôi kéo nhóm khách hàng trẻ thế hệ 9X hay còn gọi là khách hàng genZ. Đại diện King Coffee cho hay chuỗi này đang mở rộng đối tượng khách hàng đến các bạn trẻ genZ nhiều hơn nữa bằng việc thay đổi menu và các mô hình quán theo hướng trẻ trung, năng động hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, người sáng lập chuỗi hệ thống AM Café (đang có 6 quán ở TP HCM), trong lĩnh vực F&B, ngành cà phê là đường dài, không sớm nở tối tàn như các thức uống "theo trend" khác. "Dịch bệnh không làm ảnh hưởng nhiều đến doanh thu vì uống cà phê ở quán là thói quen của người dân TP HCM. Tôi quan sát những quán AM Café, ngày nào cũng có khoảng 20 khách quen, có người uống 2-3 cữ" - ông Thành nói.

Trưởng một cửa hàng cà phê thuộc một chuỗi cà phê Việt nổi tiếng cũng thừa nhận trong ngành cà phê, khách hàng trung thành là chủ yếu. "Tỉ lệ khách quen rất lớn, họ thường uống đúng một món, một size và ngồi một vị trí nếu còn trống. Họ chỉ bỏ quán khi chuyển chỗ ở hay chỗ làm khiến việc đến quán không còn thuận tiện" - người này cho hay. 

Đẩy mạnh bán hàng qua app

Bên cạnh việc đầu tư mở rộng chuỗi, tạo sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ, các chuỗi cà phê cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các nền tảng giao nhận để phát triển mảng kinh doanh online. Từ khởi đầu là giải pháp xoay xở để tồn tại trong đại dịch Covid-19, các chuỗi cà phê đã từng bước tận dụng phương thức bán hàng qua app (ứng dụng điện thoại), các phần mềm gọi món, tổng đài điện thoại... để tạo sự tiện lợi, thêm trải nghiệm cho khách hàng và cải thiện doanh thu. Ngay trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhiều chuỗi cà phê đã tăng "o bế" khách hàng thông qua xây dựng app, thiết kế chương trình khuyến mãi khủng dành cho khách đặt hàng qua app lẫn các website gọi món.

Đơn cử, The Coffee House đang có hơn 50% lượng giao dịch mà khách hàng tương tác qua app. Trong những tháng dịch, tỉ lệ đặt hàng lấy sau tại The Coffee House tăng trưởng có tháng lên tới 300%. "Các sàn thương mại điện tử, các app giao nhận đồ ăn cũng là một tập khách hàng nhất định" - Chủ tịch The Coffee House cho biết.

Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Theo Người lao động