Trong báo cáo cập nhật đối với Tập đoàn FPT (FPT), Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, chuyển đổi số (DX) là động lực tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm tới. DX đang thu hút nhiều công ty lớn trong nước đầu tư nhờ các lợi ích to lớn mà DX mang lại. FPT đã xây dựng thành công hệ thống chuyển đổi số cho Coteccons (CTD VN, Không đánh giá) trong vòng 100 ngày, trong năm 2021, FPT đã ký hợp đồng với Tập đoàn Đất Xanh (DXG VN, Khuyến nghị MUA), Tập đoàn Thiên Long (TLG VN, Không đánh giá), dự án sẽ hoạt động trong năm 2022F.
Theo FPT, 64 tỉnh thành sẽ chi 1% ngân sách cho Chuyển đổi số bắt đầu từ 2023F, và FPT có thể chiếm khoảng 30% thị phần bình quân, đối thủ cạnh tranh mảng này là Viettel và VNPT.
Doanh thu từ mảng Gia công phần mềm chiếm khoảng 85% tổng doanh thu mảng công nghệ từ tại thị trường nước ngoài nhưng chỉ chiếm 20% tại thị trường nội địa. FPT kỳ vọng thị trường nước ngoài lớn nhất của công ty là Nhật Bản sẽ phục hồi mạnh mẽ vào 2022 với tốc độ tăng trưởng 20% so với năm trước.
FPT bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho Blockchain và Metaverse. Theo ban lãnh đạo, đây là hai lĩnh vực rất tiềm năng, được coi là xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, FPT đã đẩy mạnh đầu tư cho mảng Viễn thông trong nửa cuối năm 2021 để mở rộng băng thông quốc tế do nhu cầu sử dụng Internet tăng mạnh giữa đại dịch Covid19; FPT tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng băng thông để tạo lợi thế cạnh tranh cho dịch vụ truyền hình cáp; Công ty cũng đã ra mắt Ví điện tử Foxpay trong năm 2021.
Với Mảng giáo dục, FPT hiện có 5 trường đại học và 6 trường THPT trên khắp cả nước. Công ty đang làm việc với hơn 20 tỉnh thành để tiếp tục mở rộng mạng lưới trường học, hiện tại FPT đã đạt được thỏa thuận đầu tư với 6 tỉnh.
Dựa trên kế hoạch kinh doanh 2022F, FPT đang giao dịch ở mức 12TF PE 22.6 x, cao hơn mức trung vị 1 năm ở mức 21.3 x, và 12TF PB là 4.1 x, thấp hơn mức trung vị 1 năm ở mức 4.9 x.