FPT Retail cho biết, tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam vào khoảng 4% dân số, trong khi nhiều nước khác trong khu vực là 15% - 30%, vì vậy tiềm năng mảng này rất lớn. Nếu nâng cao được tỷ lệ tiêm vaccine lên, số ca trở nặng ở một số nhóm bệnh sẽ giảm đi đáng kể, vừa nâng cao được sức khoẻ cộng đồng và vừa tiết kiệm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh.
Trên cơ sở quan hệ đối tác của mảng dược phẩm, trung tâm tiêm chủng Long Châu đã nhận được sự hợp tác hỗ trợ trực tiếp từ các nhà cung cấp vaccine trong và ngoài nước. Công ty cho biết sẽ cung cấp đầy đủ các chủng loại vaccine chính hãng, bao gồm vaccine nhập khẩu từ các hãng dược lớn trên thế giới đến nhập hàng vaccine của các nhà sản xuất nội địa.
Được biết, thị trường tiêm chủng ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công. Trong vòng 5 năm trở lại đây, cục diện thị trường đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng hơn cho việc chi trả các chi phí dự phòng bệnh tật, đặc biệt cho nhóm trẻ em, vốn là đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi xảy ra dịch bệnh.
Nhu cầu tiêm chủng lớn khiến các trung tâm tiêm chủng trở thành một thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Minh chứng là sự phát triển, nở rộ của các trung tâm tiêm chủng dịch vụ những năm gần đây.
Từ các bệnh viện tư nhân như Hồng Ngọc, Vimec, Medlatec,... cho đến các hệ thống phòng khám như Nhi đồng 315 nhận thấy tiềm năng của thị trường này và với cơ sở vật chất, nhân lực sẵn có đều tham gia chia lại "miếng bánh" tiêm chủng.
Bên cạnh đó là sự gia nhập một cách bài bản của các doanh nghiệp có hệ sinh thái kinh doanh thuốc. Những thương hiệu quen thuộc có thể kể tới như hệ thống VNVC của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) hay Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Phòng tiêm chủng dịch vụ SAFPO của AMV Group (tiền thân là CTCP Dược phẩm Đức Minh)...
Theo báo cáo tài chính kiểm toán của FPT Retail, nửa đầu năm 2023, mảng dược đã mang về cho FPT Retail gần 7.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Theo chia sẻ từ FPT Retail, mỗi cửa hàng Long Châu mang về doanh thu trung bình 1 tỷ đồng/tháng. Long Châu đã theo sát Pharmacity và nằm trong top đầu các chuỗi dược phẩm hiện tại. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Long Châu ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 280 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Theo ước tính, mỗi ngày Long Châu ghi nhận EBITDA hơn 3 tỷ đồng. Dù không công bố chi tiết, thế nhưng FRT Retail ước tính từ chỉ tiêu lợi ích cổ đông không kiểm soát trên báo cáo hợp nhất, Long Châu có thể ghi nhận lãi sau thuế khoảng 108 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Hiện nay, Long Châu đang là chuỗi mang về nguồn lợi nhuận lớn cho FRT, nhất là trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu nhưng thuốc vẫn là một trong những mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng nhiều, do đó chủ trương của FRT vẫn là mở rộng hệ thống nhà thuốc này.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống Long Châu liên tục mở rộng vùng phủ đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý II, nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên 1.243 nhà thuốc, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023. Nhờ đó, tổng tài sản của FPT Long Châu tăng 53% sau 1 năm, đạt gần 4.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023.
Theo FPT Retail, cửa hàng thuốc Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ như danh mục sản phẩm đa dạng, lượng khách đến cửa hàng cao và nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn nên mang lại mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành.
Điều này giúp chuỗi cửa hàng thuốc giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác (An Khang và Pharmacity). Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, khi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu tạo ra 25 - 30% doanh thu từ thuốc kê đơn.
Theo ghi nhận của SSI Research tại hội thảo Ngày Doanh nghiệp Việt Nam do Goldman Sachs & SSI tổ chức, lãnh đạo FPT Retail thông tin, công ty đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu (so với 1.243 cửa hàng tính đến cuối quý II/2023) trong 5 năm tới.
Tiềm năng tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh đã tạo đà bứt phá cho cổ phiếu FRT trên sàn. Kết thúc phiên giao dịch 6/10, thị giá FRT đạt 97.500 đồng/cp, mức cao nhất từ trước tới nay.
Sự hấp dẫn về hoạt động kinh doanh của FRT cũng thu hút sự quan tâm của khối ngoại. Mới đây, nhóm quỹ Dragon Capital đã nâng sở hữu lên hơn 9% vốn điều lệ FPT Retail.
Về nguồn vaccine, trên cơ sở quan hệ đối tác của mảng dược phẩm, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu hợp tác trực tiếp từ các nhà cung cấp vaccine trong và ngoài nước.
“FPT Long Châu cung cấp đầy đủ các chủng loại vaccine chính hãng, bao gồm vaccine nhập khẩu từ các hãng dược lớn trên thế giới đến nhập hàng vaccine của các nhà sản xuất nội địa”, công ty cho hay.
Không chỉ giới hạn ở các trung tâm tiêm chủng, FRT cũng đẩy mạnh mảng thuốc tiêm tại chuỗi nhà thuốc. Gần đây nhất, Long Châu đã hợp tác với Merck Healthcare Việt Nam để cung cấp thiết bị tiêm hormone tăng trưởng. Thiết bị sẽ được dược sĩ Long Châu lập trình sẵn dung tích tiêm, chỉ cần mang về nhà và sử dụng.
Theo BSC, hiện tại Việt Nam có hai chuỗi trung tâm tiêm chủng lớn gồm VNVC của CTCP Vắc xin Việt Nam và Nhi Đồng 315.
Tiến Hoàng