Bước sang năm 2024, riêng 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỉ USD, chiếm 78,5% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Nhờ sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn sang Việt Nam, lĩnh vực hậu cần và công nghiệp ở các thành phố lớn và các tỉnh lân cận được hưởng lợi. Tại TP.HCM, lĩnh vực hậu cần tăng trưởng tích cực, dòng vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và phát triển nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Ở lĩnh vực bán lẻ, nhu cầu của người tiêu dùng trong việc trải nghiệm bán lẻ đã thúc đẩy các nhà phát triển nâng cấp không gian trung tâm thương mại. Những dự án cao cấp và dự án được quản lý tốt tiếp tục là thu hút sự quan tâm của thị trường.
Ở lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,68 tỷ USD, chiếm 20,1%. So với vốn FDI của 4 tháng đầu năm 2023 chưa đến 1 tỷ USD, vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đã tăng gần 73%. Ngoài ra, các ngành còn lại thu hút vốn FDI đạt 635,1 triệu USD, chiếm 7,6%.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 902 lượt với tổng giá trị góp vốn 929,6 triệu USD, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 327 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 629,6 triệu USD và 575 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 300 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động vận tải kho bãi đạt 277,2 triệu USD, chiếm 29,8% trị giá góp vốn; vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 228,7 triệu USD, chiếm 24,6%; ngành còn lại 423,7 triệu USD, chiếm 45,6%.
Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỉ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%...
Qua đó, có thể thấy kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý đã khẳng định niềm tin vào môi trường đầu tư ổn định ở Việt Nam nói chung và ngành địa ốc nói riêng được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rằng, đây chính là địa điểm kinh doanh hấp dẫn với nhiều chính sách thuận lợi, tiềm năng tăng trưởng tích cực và phù hợp cho mục đích đầu tư lâu dài.
Năm 2024, bất động sản công nghiệp được đánh giá sẽ tiếp tục là phân khúc tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp liên tục cải thiện. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, năm qua các doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư ngoại để mời gọi đầu tư vào thị trường Việt Nam nói chung và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói riêng. nhưng, vẫn có rất nhiều quan ngại, nhất là sự chồng chéo về pháp lý. Bởi vậy, đa số các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong trạng thái quan sát và chờ đến khi thị trường có nhiều tín hiệu tích cực hơn.
Do đó, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm đưa ra những giải pháp để thu hút nguồn lực FDI bằng cách sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt pháp lý, có thêm nhà đầu tư ngoại, rõ ràng sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản sớm thoát cơn “bĩ cực”.
Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những “nút thắt” về mặt pháp lý. Từ đó, có thể rút ngắn thời gian, thủ tục triển khai dự án và cải thiện nguồn cung cho thị trường.
Tiến Hoàng