Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu khai thác cảng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (84%) đóng góp 736 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, mảng logistics và cho thuê văn phòng đóng góp 144 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Giá vốn tăng chậm hơn doanh thu giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 37,7% lên 40% tương ứng lợi nhuận gộp 352 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Đáng kể khoản lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng đột biến gấp 5 lần lên mức 126 tỷ đồng giúp lãi ròng của Gemadept tăng đến 85% so với cùng kỳ, đạt 319 tỷ đồng.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, Gemadept đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng. Như vậy, GMD đã thực hiện được gần 32% kế hoạch lãi.
Tại Đại hội, Gemadept sẽ được trình cổ đông phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Theo đó, công ty dự kiến chào bán tối đa là hơn 100 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 3:1 với giá phát hành dự kiến 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của Gemadept sẽ tăng từ 3.013 tỷ đồng lên 4.108 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành 2.000 tỷ đồng sẽ được Gemadept dùng để tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa (800 tỷ đồng); tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 (1.000 tỷ đồng); đầu tư mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh là (209 tỷ đồng).
Thời điểm cuối quý 1/2022, tổng tài sản của Gemadept đạt mức 10.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm trong đó tài sản cố định (3.200 tỷ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn chủ yếu vào các công ty liên kết (2.900 tỷ đồng) chiếm phần lớn. Ngoài ra, công ty còn rót 45 tỷ đồng đầu tư chứng khoán vào 2 cổ phiếu trên UpCOM là TDS và MMC với giá gốc thời điểm 31/3 gần 46 tỷ đồng nhưng tạm ghi lỗ 1,6 tỷ đồng.