Giá mua nhà ở xã hội vẫn đang là trở ngại cho người có thu nhập thấp

Giá nhà ở tại Việt Nam tăng liên tục trong 5 năm qua, dù là nhà ở xã hội, thì với mức giá gần 20 triệu đồng/m2 như hiện nay, người thu nhập thấp dù đi làm nhiều năm vẫn khó có thể mua được nhà.

Theo các chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương quan trọng nhưng cần triển khai hợp lý, khoa học và phù hợp với khả năng, mục tiêu cuộc sống của người dân trong tình hình có nhiều biến động và thay đổi về việc làm, thu nhập.

Giá mua nhà ở xã hội vẫn đang là trở ngại cho người có thu nhập thấp.  
Giá mua nhà ở xã hội vẫn đang là trở ngại cho người có thu nhập thấp.  

Người có thu nhập thấp hiện nay, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi đó, nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp. Bởi vậy, việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính lớn.

Ví dụ như dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mới đây được mở bán lần đầu với giá gần 20 triệu/m2 đã khiến nhiều người bất ngờ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giá thuê căn hộ tại dự án này là 99.081 đồng/m2/tháng (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì), giá bán là 19.523.116 đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2.

Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9m2 tại dự án này, người mua cần bỏ ra hơn 1,39 tỷ đồng, trong khi diện tích to nhất 76,8m2 thì số tiền phải bỏ ra khoảng 1,5 tỷ đồng/căn hộ.

Nếu tính theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, thì một gia đình có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ sẽ có thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Sau khi trừ đi các khoản tiền như: thuê nhà (khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng), tiền học của 2 con (khoảng 3 triệu đồng/tháng), tiền sinh hoạt (khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng)..., những gia đình thuộc nhóm thu nhập này có thể tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng/tháng, một năm khoảng 60 triệu đồng.

Trong khi đó, hiện quy định mức vốn vay để mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng thuê - mua nhà, trong thời gian tối thiểu 15 năm. Tuy nhiên để vay được khoản tiền này, người thuê, mua nhà phải có đủ các điều kiện chứng minh thu nhập khá ngặt nghèo, phức tạp.

Chính vì vậy, dù gói tín dụng 120.000 tỉ đồng có lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại, nhưng sau 3 tháng triển khai mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng được cam kết cho vay.

Giá mua nhà ở xã hội vẫn đang là trở ngại cho người có thu nhập thấp - Ảnh 1

Liên quan đến giá thuê mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Theo đó, tại Điều 84 dự thảo quy định về việc xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội, gồm: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định không được tính vào giá bán; Giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; Giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.

Cũng theo Bộ Xây dựng, tại Điều 82 dự thảo đã quy định các ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10% phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi đối với phần diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá nhà ở xã hội.

Về các gói hỗ trợ nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, hiện nay có 2 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ nhất là Gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Thứ hai là ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.

Tiến Hoàng