Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với khối lượng đạt 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm 2022.
Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam theo đó cũng tăng lên mức 25% so với chỉ vào khoảng 4% của cùng kỳ. Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero COVID” nên xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 5 năm.
Nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc và những thông tin kém khả quan về sản lượng thu hoạch tại một số địa phương đã đẩy giá tiêu trong nước tăng 13-15% trong tháng 2 lên 64.000- 66.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sang đến nửa đầu tháng 3 giá tiêu chủ yếu đi ngang do nhiều địa phương bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch, nguồn cung dồi dào hơn. Đến giữa tháng 3 khoảng 70% diện tích tiêu trên cả nước đã được thu hoạch, nhưng giống như những năm trước, nông dân và đại lý có xu hướng giữ lại hàng chưa muốn bán vì chờ cơ hội tăng giá.
Nhu cầu cao của thị trường Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định thị trường hồ tiêu toàn cầu có xu hướng phục hồi do nhu cầu của các nhà nhập khẩu tăng. Việt Nam mặc dù đang ở thời điểm thu hoạch chính vụ, tuy nhiên sản lượng vụ thu hoạch tiêu mới đang cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân là do diện tích giảm và năng suất một số vùng thấp do thời tiết không thuận lợi.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), những tháng quý I, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.
Hoài Anh (t/h)