Tại thị trường trong nước, trước giờ mở cửa, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 56,25-56,85 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng chiều mua vào nhưng giảm 150 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội giảm 100 nghìn đồng chiều mua vào và 50 nghìn đồng chiều bán ra khi niêm yết 56,55-57,50 triệu đồng/lượng.
Còn tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56.40 - 57.50 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua và bán.
Trong trường hợp giá vàng thế giới giữ được thành quả tăng giá phiên đêm qua, giá vàng trong nước sẽ có cơ hội đảo chiều phiên giao dịch sáng nay.
Trên thị trường thế giới, 6h sáng nay 1/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch quanh mức 1.755 USD/ounce, tăng 28 USD so với đầu giờ sáng qua.
Giá vàng hôm nay có phiên đảo chiều ấn tượng từ đáy 6 tuần được cho là do các nhà đầu cơ "săn lùng món hời" mua vàng giảm giá và chỉ số USD giảm xuống mức thấp hàng ngày sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó.
Tuy nhiên, một đồng USD tăng mạnh gần đây và hiện đang ở mức cao nhất trong 12 tháng đã khiến vàng không thể bứt phá mạnh như kỳ vọng của nhiều người sau cú lao dốc trước đó.
Đồng USD tăng trong bối cảnh giới đầu tư tìm đến đồng tiền này giữa lúc nước Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng kép, liên quan tới vấn đề trần nợ công và đại dịch Covid-19 vẫn khiến nền kinh tế gặp khó.
Đồng bạc xanh tăng so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Theo chính quyền Bắc Kinh, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) của Trung Quốc đã giảm xuống 49,6 điểm trong tháng 9 từ mức 50,1 trong tháng 8. Đây là lần đầu tiên sau 18 tháng, chỉ số sản xuất giảm xuống dưới 50 điểm.
Trong khi đó, theo Reuters, tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc Evergrande đã không thể thanh toán nợ cho các chủ sở hữu trái phiếu nước ngoài trong tháng này.