Giá xuất khẩu cà phê tăng cao kỉ lục

Trong tháng 8 giá xuất khẩu cà phê cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 85 nghìn tấn, thu về 258,5 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 2,9% về giá trị so với tháng 8 năm ngoái.

Tính chung 8 tháng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu cà phê tăng cao kỉ lục - Ảnh 1

Dù khối lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng tháng thứ 6 liên tiếp, ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, đạt kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta trong 8 tháng đạt 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, tính đến tháng 8 năm nay, xuất khẩu cà phê sang Đức, Tây Ban Nha, Bỉ giảm, nhưng xuất khẩu sang Ý, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Algeria, Hà Lan lại tăng mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến 157,8% về lượng và 118,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

EU là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam đã tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 21% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 390.000 tấn, trị giá 854,2 triệu EUR (tương đương 914,1 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 20,9% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 27,5% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Hiện giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê đến tháng 8 và tháng 9 đã hết hàng. Điều này dẫn đến lượng cà phê xuất khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, giá cà phê đang duy trì tại mức cao trong lịch sử là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, điều đáng nói nguồn cung cà phê của Việt Nam đang rơi vào tình trạng khan hiếm.

Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng thừa nhận, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua . Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu không mua trữ cà phê như trước, mà ký hợp đồng tới đâu mua tới đó. "Trong bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng thu mua bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn để gom hàng", lãnh đạo VICOFA cho hay.

Theo các chuyên gia nhận định, giá cà phê ở mức cao có thể không duy trì lâu. Hiện nay, Brazil và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới đã có nguồn cung từ niên vụ mới và đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch cà phê niên vụ mới vào quý 4 năm nay, góp phần bổ sung lượng lớn cà phê cho thị trường.

Để đảm bảo giá cà phê duy trì ở mức cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông qua “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt diện tích cà phê đặc sản chiếm 2% tổng diện tích, nghĩa là sản lượng ở mức 5.000 tấn và tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.

Nhiều vùng trọng điểm sản xuất cà phê cũng đang hướng tới phát triển bền vững thị trường tiêu thụ nội địa. Thời gian qua, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu cà phê Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành cà phê đã khiến tiêu thụ nội địa tăng khá.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cà phê năm nay giảm 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Việt đang có trợ lực tốt từ giá giao dịch và nội địa giữ ở mức cao để nhắm tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm nay đạt trên 4 tỷ USD.