Theo Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu 85 nghìn tấn cà phê, đạt trị giá 382 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và 12,5% về trị giá so với tháng 5/2024. Tuy nhiên, so với tháng 6/2023, lượng xuất khẩu giảm 40% nhưng trị giá tăng 0,4%.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, thu về 3,22 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,5% nhưng kim ngạch lại tăng mạnh 34,6% do giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê bình quân xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt 4.489 USD/tấn, tăng 5,0% so với tháng 5/2024 và tăng 67,3% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, thu về 3,22 tỷ USD
Theo nhận định từ một số chuyên gia ngành hàng và đại diện các doanh nghiệp, hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng mạnh do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực vào đầu tháng 1/2025.
Trên thị trường hàng hóa thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/7, giá hai loại cà phê tiếp tục tăng mạnh. Giá cà phê Arabica tăng 6,63%, đạt 5.510,45 USD/tấn, mức cao nhất trong 2 năm. Giá cà phê Robusta cũng tăng 6,58%, lên 4.634 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp và vượt qua mức đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 4.
Đối với cà phê Robusta, lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam tiếp tục là yếu tố quan trọng dẫn dắt thị trường. Nguồn cung trong nước hạn chế đã khiến xuất khẩu giảm sút. Theo Tổng cục Hải quan, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 6 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ còn 70.202 tấn. Đây cũng là tháng sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 893.820 tấn cà phê, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Giới thương nhân dự báo tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mùa mới bắt đầu thu hoạch.
Mặc dù trong những tuần gần đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp tại châu Âu đã đề nghị lùi thời hạn áp dụng EUDR, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) kiên quyết giữ nguyên thời hạn này. EUDR yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra 9% sản phẩm nhập khẩu từ các nước có nguy cơ phá rừng cao và 3% sản phẩm từ các nước có rủi ro phá rừng trung bình. Tuy nhiên, do sức ép từ các nước sản xuất, EC tạm thời phân loại rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với tất cả các nước, để họ có thời gian thích ứng với quy định mới. EUDR được đưa ra nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng, trong đó có cà phê.