Khởi nguồn văn hóa trà chiều
Trà được cho là xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc và trở thành món quà mà người Trung Hoa gửi tới người Nga vào những năm của thế kỉ thứ 17. Tiếp đó, nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, đi đầu là những thương nhân đến từ Bồ Đào Nha và Hà Lan đã đưa lá trà khô đi khắp Tây Âu và từ đó thứ thức uống đặc trưng của châu Á này lan tỏa ra khắp Châu Âu.
Còn tại nước Anh, vào năm 1657 những túi trà đầu tiên được bán ở London là. Tại thời điểm này ở Anh rất khó để kiếm được trà vì đất nước này không trồng được trà, nơi cung cấp trà lớn nhất cho Anh sau này là Ấn Độ lúc này cũng chưa trở thành thuộc địa của Anh, thêm vào đó là những khó khăn về mặt vận chuyển, thuế cao đã khiến trà trở thành một món hàng xa xỉ, chỉ có giới quý tộc mới có khả năng thưởng thức được.
Giai thoại về trà và thói quen dùng trà của người Anh rất nhiều, trong đó phải kể đến chuyện tại sao trà đen lại phổ biến ở đây hơn cả. Những năm đầu của thế kỉ 19, cuộc chiến thuốc phiện giữa Anh và Trung Quốc nổ ra khiến việc giao thương bị gián đoạn, trà từ Trung Quốc gần như không thể được nhập vào Anh vì nhiều lý do.
Theo đó người Anh bắt đầu trồng trà ở Assam Ấn Độ, loại trà này có vị chát và đắng rất mạnh chỉ thích hợp để sản xuất trà đen. Trong phiên đấu giá trà đen đầu tiên ở London, cho dù phẩm chất của loại trà này không bằng được với loại trà nhập từ Trung Quốc nhưng vì niềm tự hào dân tộc cùng với sự khan hiếm trà, thì giá chốt lúc đó lên đến 168 bảng/pound, một cái giá không tưởng cho đến ngày nay.
Thời gian sau khi Anh và Trung Quốc giao thương trở lại thì trà xanh vẫn yếu thế hơn, vì người ta phát hiện ra trong những lô trà của Trung Quốc có chứa phẩm màu giúp trà có màu đẹp nhưng lại rất có hại cho sức khỏe con người. Điều này khiến cho trà đen trở thành độc tôn ở thị trường Anh.
Lý do trà chiều nổi tiếng trên đất nước Anh
Buổi trà chiều chính thức đầu tiên được thực hiện vào năm 1840. Trong bữa tiệc trà đó có trà, bánh mì, bơ và bánh ngọt. Về sau những buổi trà chiều ngày càng phổ biến hơn trong giới quý tộc, những năm 60 của thế kỉ 19, nhiều tập tục nghi thức sang trọng, tao nhã được thực hiện trong bữa trà chiều.
Những người phụ nữ tầng lớp quý tộc mặc bộ đầm sang trọng, đeo găng tay và đội mũ trong thời gian diễn ra trà chiều từ 4 - 5 giờ chiều ở phòng khách. Người chủ tiệc sẽ rót trà mời khách quan, bánh quy được dùng thay bánh sandwich để các quý bà có thể ăn mà không cần bỏ găng tay. Trà cũng được ăn cùng với đa dạng các món được bày biện rất đẹp mắt trên bàn.
Thông thường một buổi thưởng trà chiều ở Anh sẽ diễn ra theo những quy tắc sau:
- Trà chỉ rót một lần tới 3/4 tách. Rót trà đầu tiên rồi mới đến các thứ gia vị khác, không dùng đồng thời sữa và chanh.
- Khi khuấy không để muỗng chạm vào thành và đáy ly.
- Thưởng thức 1 ít mỗi loại thực phẩm phục vụ trên bàn (cả kẹo và các món ăn), quét 1 lớp kem lên bánh nướng trước rồi mới đến mứt. Thứ tự thưởng thức: sandwich, scone và cuối cùng là bánh ngọt. Trong đó vì scone là bánh mì nên hãy dùng tay bẻ.
- Người Anh không thích bạn nói chuyện khi bạn đang ăn đầy mùi hoặc cắn 1 miếng lớn nên đợi đến khi bạn nuốt hết thức ăn rồi mới nhấp trà. Nguyên tắc là chỉ dùng một thứ một và không dùng đồng thời sữa cùng chanh.
Ngoài ra còn có một số lưu ý khác bạn cần nhớ khi tham gia trà chiều:
- Không đặt các vật dụng dư ra như chìa khóa, kính, điện thoại trên bàn. Ngoài ra cũng không để muỗng trong tách mà đặt ra đĩa. Không di chuyển đĩa của bạn hơn 1inch cạnh bàn và cũng không đẩy đĩa bạn ra xa khi bạn ăn xong.
- Khăn ăn cần được gấp đôi và đặt trên đùi, với nếp gấp quay về phía mình. Khi muốn tạm thời rời bàn, hãy đặt khăn ăn trên ghế, còn khi kết thúc bữa ăn, hãy đặt khăn ăn trên bàn, phía bên trái đĩa ăn.
- Không chĩa ngón út của bạn khi cầm tách trà.
Có thể thấy, văn hóa trà của người Anh rất thú vị, trà khi đi qua mỗi nơi trên thế giớiđều lưu lại một dấu ấn, tùy mỗi vùng miền đất nước mà cách uống trà sẽ có sự khác biệt và đặc trưng cho nơi ấy. Tựu chung lại, dù ở nơi đâu, dù hình thức thể hiện là như thế nào thì cốt lõi cũng là thưởng thức chén trà ngon, cảm nhận bằng cả tâm hồn, lắng đọng tâm can trước mọi biến động của cuộc sống./.
Dinh Dinh (t/h)