Giảm lãi suất mua nhà ở xã hội trong năm 2025

Bắt đầu từ ngày 1-1-2025, mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay mua nhà ở xã hội sẽ giảm nhẹ 0,1%, từ 4,8% xuống còn 4,7% mỗi năm. Việc này không chỉ mang đến hy vọng an cư cho hàng triệu người lao động thu nhập thấp, mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy thị trường bất động sản và tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15.5.2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18.11.2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29.7.2016.

Giảm lãi suất mua nhà ở xã hội trong năm 2025.  
Giảm lãi suất mua nhà ở xã hội trong năm 2025.  

Cụ thể, theo quy định mới, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội sẽ được điều chỉnh xuống còn 4,7%/năm kể từ năm 2025. Quy định này áp dụng cho các khoản vay đã và đang được thực hiện theo các thông tư 11/2013, 32/2014 và 25/2016.

Với quyết định này, lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ giảm nhẹ 0,1% so với mức quy định cũ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận với nhà ở.

Mục đích cho vay là hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Đối tượng cho vay là người mua, thuê, thuê mua nhà và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, phụ lục kèm theo quyết định cũng công bố danh sách 17 ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay tái cấp vốn thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, SHB, SeABank, TPBank, Eximbank, PVCombank, OCB, NamABank, LPBank, VietBank, NCB, VIB, VPBank và SCB.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định giảm lãi suất này không chỉ mang tính nhân văn, mà còn có tác động lan tỏa đến nền kinh tế. Việc tăng khả năng tiếp cận nhà ở sẽ giúp đối mới cơ cấu thị trường nhà ở, thúc đẩy nhu cầu nhà ở, qua đó kích thích ngành bất động sản và đạt được sự ổn định dài hạn.

Đối với các ngân hàng thương mại, việc điều chỉnh lãi suất còn là bước đi cần thiết nhằm tăng cường thanh khoản và giãn tải nợ xấu. Tuy nhiên, hệ thống tài chính cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyết định này được triển khai đúng mục đích và hạn chế nguy cơ lợi dụng chính sách.

Tiến Hoàng