Giới thiệu giống chè mới và giải pháp bảo vệ chè Shan rừng tại Việt Nam

Nhiều giống chè mới tại Việt Nam được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cứu tìm ra. Bên cạnh đó, Viện cũng đưa ra những giải pháp hữu dụng để tiếp tục bảo tồn chè Shan rừng để phục vụ mở rộng trong sản xuất.

Cây chè được coi là cây có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác, đóng vai trò xoá đói giảm nghèo và góp phần quan trọng để làm giàu cho địa phương. Hiện cả nước có 130.000 ha diện tích trồng chè với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm.

Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...

Trà Shan Tuyết cổ thụ đặc sản núi rừng Tây Bắc
Trà Shan Tuyết cổ thụ đặc sản núi rừng Tây Bắc

Mới đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã nghiên cứu và tìm ra được tám giống chè mới và được phân loại thành ba nhóm với mục đích khác nhau.

Phục vụ chế biến chè xanh cao cấp và chè Ô long

Giống chè Hương Bắc Sơn: Lai giữa giống Kim Tuyên và giống Trung Du, được công nhận giống sản xuất thử năm 2015.

Đặc điểm là giống sớm cho năng suất, tuổi 2 đạt 2,89 tấn/ha liên tục tăng qua các năm đến tuổi 4 đạt 5,3 tấn/ha, tuổi 6 năng suất đạt 8,32 tấn/ha. Hàm lượng tanin: 24,17%, hàm lượng đường: 3,29%, chất hòa tan: 45,06%, Cathechin: 128,4 mg/gck. Đặc biệt hàm lượng chất thơm đạt 50,24 mlKMnO4 0,1N/100gr chè khô. Gống Hương Bắc Sơn có khả năng chế biến các sản phẩm chè xanh cao cấp, chè Olong, chè xanh dẹt với điểm thử nếm chè xanh đạt 17,8 điểm, chè Olong đạt 17,3 điểm và chè xanh dẹt đạt 17,5 điểm. Là giống dễ giâm cành, có hệ số nhân giống cao ở tuổi 5 đạt trên 3 triệu hom/ha, có tỷ lệ sống trên 90% và xuất vườn trên 80%.

Các cơ quan nghiên cứu, bảo tồn tiếp tục nghiên cứu đầu tư chọn ra những giống chè san rừng tốt nhất để phục vụ mở rộng trong sản xuất
Các cơ quan nghiên cứu, bảo tồn tiếp tục nghiên cứu đầu tư chọn ra những giống chè san rừng tốt nhất để phục vụ mở rộng trong sản xuất

Giống chè PH10: Được chọn lọc cá thể từ tập đoàn các giống chè có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam năm 2000, công nhận giống mới năm 2013. Năng suất trung bình tuổi 5 đạt 7,4 tấn/ha, chất lượng tốt, chế biến chè xanh có ngoại hình đẹp xoăn, xanh non, thoáng tuyết. Có hương thơm đặc trưng, vị đậm dịu, có hậu. Có khả năng chế biến chè Olong chất lượng cao. Mức độ phổ biến: Được trồng mở rộng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng.

Giống chè VN15: Được chọn tạo bằng phương pháp chọn lọc cá thể từ tổ hợp lai giữa dòng chè Saemidori thuộc biến chủng Trung Quốc lá nhỏ có chất lượng cao nhưng khả năng chống chịu kém, với giống Cù Dề Phùng thuộc biến chủng chè Shan, có khả năng chống chịu cao nhưng chất lượng thấp, được công nhận giống sản xuất thử năm 2016.

Phục vụ chế biến chè xanh chất lượng khá và chè đen

Giống chè TRI 5.0: Xử lý tia phóng xạ nguồn Co60 trên hạt chè giống TRI777 với liều xạ 5k, được công nhận giống sản xuất thử năm 2015. Khả năng sinh trưởng khỏe, sớm cho năng suất cao, ở tuổi 3 đạt 5,42 tấn/ha, đến tuổi 5 đạt 9,75 tấn/ha và ở tuổi 18 đạt 25,1 tấn/ha. Có khả năng chế biến chè xanh chất lượng tốt (có thể sử dụng chế biến chè đen). Mức độ phổ biến: Được trồng thử nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An.

Giống chè PH9: Lai giữa giống chè TRI 777 và Kim Tuyên từ năm 1998 tại Phú Hộ, được công nhận và cho sản xuất thử năm 2009. Đặc điểm của giống chè nay là cây sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, búp có tuyết trung bình. Dễ giâm cành, có tỷ lệ sống và tỷ lệ xuất vườn cao. Khả năng thích ứng rộng, chịu được đất cằn cỗi, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Tuổi 2 đã cho năng suất 3 tấn/ha đến tuổi 8 đạt tới 15,80 tấn/ha, chịu thâm canh.

Giống chè PH8 được lai giữa giống chè TRI 777 và Kim Tuyên từ năm 1998 tại Phú Hộ, được công nhận giống chè mới năm 2015. Có khả năng thích ứng rộng trồng ở các vùng trồng chè phía Bắc nước ta. Năng suất cao, tuổi 2 đạt 4 tấn/ha, tuổi 8 đạt 17,5 tấn/ha. Tác dụng của loại này được dùng để chế biến chè xanh chất lượng cao và chè Olong.

Giống chè LCT1 được lai giữa giống chè Shan Cù Dề Phùng và giống Trung Du chọn lọc, được công nhận sản xuất thử năm 2018 với đặc điểm có vị đậm, dịu, giữ được bản chất giống Shan truyền thống, thích hợp chế biến chè xanh chất lượng và được trồng thủ nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phục vụ chế biến chè đen

Giống chè PH11 được chọn lọc cá thể từ tập đoàn các giống chè có nguồn gốc Ấn Độ nhập nội vào Việt Nam năm 1996-2000, công nhận giống chính thức năm 2013. Kích thước lá lớn, búp mập, mầu xanh vàng sáng, ít lông tuyết. Chế biến chè đen cho chất lượng tốt được trồng nhiều tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang…

Giống chè PH276 được lai tự do của mẹ là giống PH1. Năm 2019 được công nhận là giống sản xuất thử QĐ 423/QĐ-TT-CCN ngày 12/12/2019. Cây sinh trưởng khỏe mạnh cho năng suất cao khoảng 25 tấn/ha, trồng nhiều tại các tỉnh Phú Thọ, Lai Châu…

Đối với thực trạng chè Shan rừng tại Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết, cần định hướng các cơ quan nghiên cứu, bảo tồn tiếp tục nghiên cứu đầu tư chọn ra những giống chè san rừng tốt nhất để phục vụ mở rộng trong sản xuất, tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ về canh tác, chăm sóc, chế biến và đa dạng hóa sản phẩm từ cây chè san rừng.

“Bên cạnh đó, cần có nhiều quan tâm hơn đến chè Shan rừng. Cần có nhiệm vụ để đánh giá tổng thể về thực trạng và đề xuất biện pháp bảo vệ chè shan rừng việt nam, trong thời gian tới các đơn vị cùng phối hợp để đề xuất thực hiện nhiệm vụ tổng quát nghiên cứu bảo tồn để có tầm nhìn vĩ mô”. Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chia sẻ.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Huy Huy