Sự kiện lần này là kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổ chức từ ngày 29/10 - 2/11/2020. Tại khu trung tâm của sự kiện với biểu trưng Cột chủ quyền Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc và biểu trưng sản phẩm OCOP là tinh hoa hội tụ đã hòa quyện cùng không gian văn hóa miền Trung - Tây Nguyên và biển đảo giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu các gian hàng với các dòng sản phẩm OCOP; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đặc trưng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản...
Ông Thân Văn Sửu, Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại sản vật Tây Nguyên cho biết: Các sản phẩm trưng bày tại hội chợ đều được công nhận từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia Chương trình OCOP của các địa phương. Sản phẩm tham gia hội chợ có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bao bì, nhãn mác, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại sản vật Tây Nguyên cũng chia sẻ về quá trình chuẩn bị sự kiện: toàn bộ anh em gấp rút chuẩn bị chương trình với tâm thế nhiệt huyết và tích cực nhất, đặc biệt là nhà sàn này chúng tôi thiết kế với mong muốn lan toả giá trị của văn hoá, sản vật Tây Nguyên, lan toả tình đồng bào của những người con núi rừng, những người con Lâm Đồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tới người dân thủ đô cũng như người dân cả nước. Nhà sàn được kiến trúc sư Nguyễn Viết Thanh thiết kế và ê kíp thi công gấp rút cả ngày lẫn đêm trong vòng 42 giờ. Kiến trúc nhà sàn, tháp chè và Cột chủ quyền Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc đều là điểm nhấn nổi bật, mang đậm dấu ấn của chương trình lần này.
Nhân dịp này, thay mặt cho SẢN VẬT TÂY NGUYÊN, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới Ban tổ chức, Ban Hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga đã trao cho chúng tôi cơ hội hợp tác quý bàu này, ông Thân Văn Sửu bày tỏ.
Đánh giá về hoạt động kết nối giao thương, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương cho biết: Chương trình OCOP nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tập đoàn kinh tế, chuỗi bán lẻ... nên tạo sinh kế tốt hơn cho người dân. Trên tinh thần đó, chúng ta không dừng ở những việc hỗ trợ, cử chỉ thiết thực ngắn hạn mà quan trọng hơn, hoạt động làm như thế nào để hỗ trợ được sinh kế Miền Trung, đặc biệt là vùng ảnh hưởng của thiên tai. Bởi vì điều đó mới mang tính bền vững. Hoạt động của chúng ta trong chương trình kết nối giới thiệu sản phẩm OCOP Miền Trung – Tây Nguyên này, ngoài việc đưa sản phẩm, đặc sản đã được đánh giá, công nhận sếp hạng OCOP của các tỉnh Miền Trung với người dân thủ đô Hà Nội. Quan trọng hơn chúng ta kết nối với các doanh nghiệp, những người tiêu dùng để từng bước đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc sản, nông sản địa phương. Góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo thêm sinh kế, tăng thêm thu nhập cho người dân. Chính những hoạt động kết nối cung – cầu này, sẽ mang tính bền vững, hỗ trợ, giúp đỡ cho đồng bào Miền Trung không chỉ vượt qua những khó khăn trước mắt mà còn làm cho chương trình OCOP đi vào chiều sâu hơn. Theo Ban tổ chức, ngoài chuỗi hoạt động tổ chức thường xuyên như việc ký kết và kết nối các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào các hệ thống phân phối lớn của Hà Nội; Giao thương sản phẩm của các chủ thể với người tiêu dùng Thủ đô và du khách Quốc tế; Cũng trong sự kiện này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban tổ chức đã phối hợp với Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân tổ chức chương trình hướng về miền Trung và biển đảo, triển khai các hoạt động thiện nguyện, quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung và biển đảo bị ảnh hưởng lũ lụt.
Ngay sau lễ khai mạc đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ hàng chục tỷ đồng và nhiều hiện vật để kịp thời cùng các ngành, các cấp hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Cùng đồng hành với sự kiện, Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga đã phối hợp đơn vị khác trao tặng 10 căn nhà chống lũ cho thân nhân một số gia đình cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa có nhà cửa bị hư hỏng nặng do mưa lũ vừa qua. Toàn bộ tiền mặt đã được các nhà hảo tâm trao trực tiếp cho đồng chí Đại tá Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa tại sự kiện.
Trước đó vào chiều cùng ngày, Ban Tổ chức tổ chức hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP với mục đích kết nối giao thương các sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã tổ chức ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.Có 56 biên bản hợp tác, ghi nhớ về kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP được ký kết.Ngoài ra, các hệ thống phân phối còn ký kết trực tiếp với các chủ thể có sản phẩm trưng bày trong sự kiện này.
Một số hình ảnh khách tham quan sản vật và không gian văn hóa miền Trung và Tây Nguyên được tái hiện tại sự kiện:
Vương Anh