Chiều 12-10, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, đã có buổi trả lời trực tuyến giải đáp các thắc mắc xung quanh sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1.
Trước băn khoăn cho rằng trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, chuyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vậy sao SGK Tiếng Việt 1 lại không lựa chọn dùng mà lại dùng của nước ngoài, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết sách Tiếng Việt 1 có khoảng 100 văn bản của các tác giả Việt Nam. Các văn bản này gồm đồng dao, câu đố, truyện dân gian Việt Nam và sáng tác của các tác giả có tên tuổi như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai…
"Sở dĩ sách không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ. Do vậy, chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh có nhận thức phù hợp hơn" - Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu SGK Tiếng Việt 1 còn dạy cả những bài học phân biệt tốt, xấu thì phải chăng đã sa vào môn Đạo đức, chứ không phải tập đọc, tập viết, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định môn học nào cũng có trách nhiệm hình thành, phát triển những phẩm chất tốt đẹp cho trẻ.
Nói thêm về bộ sách mới, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng sách giáo khoa bây giờ chỉ là tài liệu chính thức để dạy học, giáo viên không phải dạy theo từng chữ từng câu mà theo tinh thần dạy học phân hóa. Vì vậy, các thầy cô nên vận dụng sách cho phù hợp với đối tượng dạy học của mình.
"Ví dụ, sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều có phần cứng là 332 tiết dạy chữ (hoặc dạy vần) và "phần mềm" là 88 tiết là các bài ôn tập (64 tiết, tự đọc sách báo 16 tiết, góc sáng tạo 8 tiết). Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" là các bài học chính và "phần mềm". Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành các bài học chính. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài"- GS Thuyết nói.
Ông cũng cho rằng ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Vì thế, để thực hiện dạy học phân hóa, đối với những học sinh tiếp thu nhanh, giáo viên hướng dẫn các em đọc trọn vẹn bài tập đọc, tập viết, đối với những học sinh còn chậm, giáo viên chỉ cần hướng dẫn các em đọc, viết được những nội dung cơ bản, cho đến lúc các em hòa vào được tiến độ chung của lớp.
Yến Anh
Theo Người lao động