Hà Nội: Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn trong đại dịch

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm gần đây, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn cung nông sản vô cùng dồi dào và phong phú.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Được biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Năm 2020, thành phố Hà Nội đã có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (tăng 02 chuỗi so với năm 2019). Thí điểm cấp 8 giấy chứng nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm an toàn theo chuỗi. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Các sản phẩm đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản tiếp tục phát triển mở rộng. Cụ thể như thực hiện truy xuất ngồn gốc sản phẩm trên một số giống bưởi đặc sản Hà Nội; hỗ trợ 11 đơn vị áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR CODE, từ đó giúp các đơn vị minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm; Xây dựng hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội với địa chỉ tên miền www.check.vn; check.gov.vn. Đồng thời thiết lập và hoàn thiện các tài khoản quản lý cho hệ thống và các cho các cấp quản trị theo các sở ngành.

Đến nay, đã hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản cho 2859 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; cấp 8781 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về ATTP lên hệ thống. Trong đó có hơn 1.200 mã sản phẩm có nguồn gốc của 35 tỉnh, thành phố, 100% các chuỗi cung cấp nông sản an toàn của Hà Nội được cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử QR Code.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa để bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong điều kiện giãn cách xã hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội đã tổng hợp danh sách 616 cơ sở đầu mối cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh thuộc chuỗi 21 tỉnh, thành phố phía Bắc cung ứng cho thị trường Hà Nội để các siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án bảo đảm nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh như: Tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng như trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước...

Hoài Nam (t/h)