Tài sản cuốn trôi theo dòng nước
Từ ngày 21/10, ở tỉnh Hà Tĩnh mưa đã tạm ngưng, nước lũ dần rút xuống để lộ cảnh hoang tàn khắp nơi.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 đã làm 6 người chết, hơn 45.500 hộ dân bị ngập lụt.
Cùng với con số thương vong, nhà cửa bị thiệt hại đang tăng lên, trận lũ lịch sử đã làm hàng ngàn gia súc của người dân tại Hà Tĩnh bị chết trôi nằm la liệt khắp nơi. Tài sản, đồ dùng, hàng hóa của nhân dân bị lũ cuốn trôi và hư hỏng nghiêm trọng.
Hình ảnh những con trâu, bò, lợn, gà được chất ngổn ngang sau khi dòng nước lũ lùi đi mới thấy xót xa biết nhường nào. Toàn bộ tài sản đáng giá của người dân cứ thế mà cuốn theo dòng nước bạc.
Xã Cẩm Thành một xã của huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Nhìn hình ảnh những con bò, con lợn được xem tài sản lớn nhất của người nông dân trôi dạt sang hai bên đường ma xót xa.
Không chỉ riêng gia súc, gia cầm mà lũ ập đến bất ngờ khiến hàng nghìn tấn lúa dự trữ của người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị hư hại.
Trận lũ lịch sử vừa qua gia đình anh Phạm Văn Sơn (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình) như đang ngồi trên đống lửa vì 100 tấn lúa trong kho bị ngập nước. Gia đình anh thu mua lúa gạo cho người dân, vì lũ lên quá nhanh chưa kịp vận chuyển đi cho người ta bây giờ lúa bị ngâm nước ướt hết, giờ nếu không được hong khô kịp thời toàn bộ số lúa này đều bị lên mầm hỏng hết.
Để giúp người dân giảm bớt thiệt hại UBND huyện Cẩm Xuyên đã huy động các máy sấy có công suất lớn để sấy lúa miễn phí cho người dân.
Tiểu thương khóc ròng
Trong khi đó người dân ở Thành phố Hà Tĩnh cũng thiệt hại không kém. Hộ anh Minh ở phường Hà Huy Tập kinh doanh điện máy điện lạnh, đợt lũ vừa qua nước lũ vào cửa hàng anh sâu hơn 1m. Vì nước vào buổi đêm và lên nhanh không ai ở cửa hàng nên toàn bộ hàng hóa đều bị nhấn chìm trong biển nước.
Anh Minh chia sẻ: Hàng hóa tôi mới nhập về để phục vụ Tết nhưng bây giờ bị nước làm hư hỏng hết, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Giờ nước rút tôi phải đưa hàng ra kiểm tra, sửa chữa lại xem vớt vát được cái nào hay cái đó.
Sáng ngày 23/10, sau khi nước lũ rút, các tiểu thương đã có mặt tại chợ Hà Tĩnh dọn dẹp, vớt vát lại một số hàng hóa còn có thể sử dụng được sau lũ. Nhiều tiểu thương khóc ròng vì toàn bộ hàng hóa, mặt hàng ở ki ốt bán ở chợ tỉnh bị nước lũ nhấn chìm, hư hỏng nặng.
Các tiểu thương cho biết, mặc dù hàng hóa đã được kê cao nhưng do nước lũ dâng cao cùng với hồ Kẻ Gỗ xả lũ lưu lượng lớn nên nước ở chợ tỉnh ngập trên 1,5 mét, toàn bộ hàng hóa bị nước lũ nhấn chìm.
Toàn chợ có tới hơn 2.000 ki ốt, hầu hết ngập chìm trong nước lũ. Thiệt hại nặng nhất là khu vực bán quần áo, đồ khô, hoa quả tươi, nông sản.
Vừa gom nhặt quần áo bị nước lũ nhấn chìm để mang về nhà phơi khô, chị Hà Linh chủ một ki ốt may ở chợ Hà Tĩnh cho hay: “Giờ tôi cố nhặt những quần áo này về nhà giặt xem có còn bán được nữa không. Vì nước kéo theo bùn non, làm hỏng hết màu quần áo. Hàng hóa khách đặt may rất nhiều chưa lấy không biết làm sao mang đến cho khách”.
Từ sáng sớm 21-10, các trường học ở Thạch Linh, TP, Hà Tĩnh giáo viên, phụ huynh tất bật dọn dẹp bùn non, rác thải để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại. Chị Bình một phụ huy có học sinh học ở trường cho biết trong lũ, trường này bị ngập sâu trong nước, nhiều sách vở, dụng cụ học tập của các cháu bị hư hỏng. Khi nước rút, ngôi trường ngập trong rác và bùn non. Chúng tôi cùng với giáo viên trong trường cùng nhau dọn vệ sinh trường, phu tiêu độc khử trùng để đón các cháu học vào tuần tới.
Sau 3 ngày bị mưa lũ chia cắt, đến hôm nay học sinh tại nhiều trường học ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể tới trường.
Tại trường tiểu học Thạch Tân, huyện Thạch Hà , sách vở đồ dùng học tập của các em học sinh bị ngập lũ, ngày 23/10, nước rút các cô giáo và phụ huynh đến dọn dẹp đồ đạc và “phơi chữ” để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Diễm Phước - Trí Thức